Bài 2: Thách thức của biến đổi khí hậu là... cơ hội

Theo TS. Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục Môi trường và Phát triển (CERED), biến đổi khí hậu (BĐKH) mang đến thách thức nhưng cũng đầy cơ hội cho doanh nghiệp Việt.
Bài 1: Nghìn tỉ đô la của doanh nghiệp 'bốc hơi' vì biến đổi khí hậu và những bài học 'xương máu'Iceland làm tang lễ cho sông băng “chết” vì biến đổi khí hậuBiến đổi khí hậu và những hậu quả khó lường

Cùng với xu hướng chung của thế giới, các doanh nghiệp Việt cũng đang chuyển mình để biến thách thức của BĐKH thành cơ hội kinh doanh. Theo TS. Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục Môi trường và Phát triển (CERED), BĐKH mang đến thách thức nhưng cũng đầy cơ hội cho doanh nghiệp Việt. BĐKH dẫn đến trái đất nóng lên, vốn tự nhiên dần cạn kiệt, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ xuất hiện ngày càng nhiều ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, hư hỏng tài sản, quy trình sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, dẫn đến thay đổi lợi thế cạnh tranh.

Ngoài ra, BĐKH cũng mang đến nhiều rủi ro về danh tiếng, về tài chính, và rủi ro kiện tụng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, BĐKH cũng mang đến những cơ hội. "Thứ nhất, là hội nhập kinh tế toàn cầu để tiếp nhận các mô hình kinh tế, chính sách, tài chính mới. Tiếp đó, là phát triển thị trường, và điểm then chốt nhất mà biến đổi khí hậu mang lại đó là sự đổi mới về công nghệ", ông Ninh phân tích tại Hội thảo "Ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững: Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp" diễn ra vào tháng 6 vừa qua tại Hà Nội. Các chuyên gia kinh tế và BĐKH cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 sẽ mang đến nhiều lợi thế để doanh nghiệp Việt triển khai các sáng kiến ứng phó với BĐKH.

bai 2 bien thach thuc cua bien doi khi hau thanh co hoi

Các doanh nghiệp giới thiệu công nghệ tưới nhỏ giọt nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay. Ảnh: Theo Nhân Dân

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường, Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, CMCN 4.0 tập trung chủ yếu phát triển công nghệ điện tử, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Do đó, có thể ứng dụng các sản phẩm của công nghệ 4.0 để chuyển đổi mô hình kinh doanh từ "nâu" sang "xanh", phát triển nguồn năng lượng sạch thay thế nguồn năng lượng hóa thạch.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng cho rằng: CMCN 4.0 sẽ cho phép các doanh nghiệp Việt phát triển giải pháp năng lượng tái tạo, tái sử dụng chất thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt làm phân bón hữu cơ. Hiện tại, một số doanh nghiệp ở Việt Nam cũng đã triển khai các kế hoạch giảm thiểu nhằm thích ứng với BĐKH. Điển hình như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN vừa ban hành kế hoạch phát triển gắn với bảo vệ môi trường hồi tháng 4/2019.

Theo đó, PVN đưa ra mục tiêu tới năm 2025 giảm 15,55 triệu tấn CO2 so với năm 2010 tương đương 2,86% so với kịch bản thông thường và tới năm 2030 giảm 23,53 triệu tấn CO2, tương đương 2,44% so với kịch bản thông thường. Một số giải pháp đã được PVN triển khai như: Giảm thiểu đốt khí flare và xả nguội tại các công trình dầu khí; Tận dụng và thu hồi và sử dụng hiệu quả khí đồng hành tại các công trình khai thác dầu khí; Tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả năng lượng tại các tòa nhà, nhà máy, hệ thống công nghệ tại các công trình dầu khí...

Đồng thời, PVN điều chỉnh, cải hoán, tối ưu hóa công nghệ tại các nhà máy chế biến dầu khí; Đầu tư, vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, hệ thống thu hồi nhiệt thừa tại các công trình dầu khí; Vận hành hiệu quả các công trình thu hồi CO2 tại các nhà máy chế biến dầu khí (đạm, nhiên liệu sinh học). Về tài chính, PVN cũng dành số lượng lớn ngân sách đầu tư cho các dự án giảm thiểu và thích ứng với BĐKH.

Cụ thể, PVN đã phê duyệt ngân sách khung cho giai đoạn I (2018 - 2025) là 1.331,1 tỉ đồng; Trong đó, tổng kinh phí cần thiết cho các dự án giảm thiểu là 1.301,1 tỉ đồng, kinh phí cần thiết cho các dự án thích ứng là 30 tỉ đồng. Tới giai đoạn II (2026 - 2030), dự kiến là 109,9 tỉ đồng; Trong đó, tổng kinh phí cần thiết cho các dự án giảm thiểu là 96 tỉ đồng, kinh phí cần thiết cho các dự án thích ứng là 13,9 tỉ đồng.

Như vậy, cũng như các doanh nghiệp trên thế giới, doanh nghiệp Việt đang tập trung vào việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sử dụng năng lượng hoá thạch sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đồng thời, nhiều sáng kiến ứng dụng công nghệ để biến rác thải thành sản phẩm hữu ích đã được doanh nghiệp triển khai. Chuyển hướng đầu tư vào các dự án thân thiện môi trường cũng bắt đầu được quan tâm. Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam được phê duyệt vào tháng 8/2018 cũng là tiền đề để chuyển hướng đầu tư tập trung vào các dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Theo công bố mới đây của CDP (Tổ chức phi lợi nhuận quốc tế cung cấp thông tin về tác động của môi trường đến phát triển kinh tế), BĐKH có thể khiến các doanh nghiệp lớn trên thế giới mất hơn 1 nghìn tỉ đô la trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, những sáng kiến về sản phẩm mới, dịch vụ mới giảm thiểu tác động lên môi trường có thể đem về lợi nhuận nhiều hơn thế. Theo CDP, những doanh nghiệp đi đầu trong phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm ít phát thải carbon và tạo ra xu hướng tiêu dùng mới có thể đem về hơn 2 nghìn tỉ đô la.
La Thị Hoàn
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường