Hàng trăm người đã đến dự lễ tưởng niệm sông băng Okjokull “chết” vì biến đổi khí hậu. Okjokull là sông băng đầu tiên tại Iceland tan chảy do trái đất nóng lên. Dòng sông băng này từng có diện tích là 16 km2, nay đã tan chảy thành nước và các mảnh nhỏ.
Hàng trăm người tham dự lễ tang của sông băng. |
Ngoài lễ tưởng niệm, Iceland còn cho dựng một tấm bia trên một hòn đá nơi tảng băng từng “ngự” ở đó với thông điệp “Bức thư gửi tương lai” nhằm nhắc nhở mọi người cần hành động ngay để chống lại biến đổi khí hậu.
“Bức thư gửi tương lai” viết: “Okjokull là dòng sông băng đầu tiên tại Iceland bị mất tên gọi sông băng. Trong vòng 200 năm tới, toàn bộ băng của Iceland được dự báo là sẽ chung số phận. Bia tưởng niệm này để nhắc nhở rằng chúng ta biết điều gì đang diễn ra và biết cần phải làm gì. Liệu chúng ta có làm được điều cần làm hay không? Điều đó tuỳ thuộc hành động của bạn”.
Tấm bia tưởng niệm sông băng chết với thông điệp kêu gọi hành động chống lại biến đổi khí hậu. |
Tấm bia kết thúc bằng dòng chữ và số “415 ppm CO2” chính là lượng khí carbon kỷ lục đo được trong khí quyển vào tháng 5/2018.
Chia sẻ về mục đích tổ chức tang lễ cho sông băng, Thủ tướng Iceland bà Katrín nói: "Tôi hi vọng rằng lễ tưởng niệm này sẽ thúc đẩy hành động không chỉ tại Iceland mà trên toàn thế giới. Những gì chúng ta thấy ở đây mới chỉ là một mặt của khủng hoảng khí hậu".
11% diện tích của Iceland được bao phủ bởi băng. |
Phó giáo sư Nhân chủng học Cymene Howe, ĐH Rice, Texas, người có đóng góp vào sáng kiến xây dựng tấm bia, cho biết: Việc tưởng niệm sông băng tan nhằm giúp mọi người nhận ra những gì đã mất và những gì đang chết dần trên thế giới. Lễ tưởng niệm cũng sẽ giúp chúng ta nhận ra sự thật rằng băng tan chính là “thành quả” của con người, một “thành quả” không thể tự hào.
Sông băng là một khối băng lâu năm, di chuyển liên tục bởi trọng lượng của chính nó. Băng ở sông băng là nguồn dự trữ nước ngọt lớn nhất trên trái đất. Sông băng bao phủ tới 11% diện tích Iceland. Mỗi năm, Iceland mất khoảng 11 tỉ tấn băng tan chảy trôi ra đại dương. Các nhà khoa học lo ngại rằng, hơn 400 tảng băng lớn tại Iceland sẽ biến mất vào năm 2200.