Trong khuôn khổ hội thảo "Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thải và năng lượng" được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh trong tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Tại Việt Nam, lượng rác thải phát sinh ở đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 32.000 tấn/ngày. Trong đó, tỉ lệ thu gom, xử lý rác thải ở đô thị khoảng 85%, ở khu vực nông thôn khoảng 40 - 50%. Phương pháp xử lý rác thải chủ yếu là chôn lấp, trong đó khoảng 30% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Hiện nay, cả nước mới có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân hữu cơ, 300 lò đốt chất thải sinh hoạt quy mô nhỏ. Việc đầu tư, xây dựng các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh phần lớn chỉ được thực hiện ở một số địa phương có nguồn thu ngân sách lớn.
Cho nên, việc lựa chọn mô hình quản lý và công nghệ xử lý rác thải phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam là thách thức của các ban ngành, địa phương. Để lựa chọn được mô hình quản lý và công nghệ lý phù hợp, chúng ta cần đẩy mạnh tìm hiểu và ứng dụng công nghệ, giải pháp tiên tiến, hiện đại vào xử lý rác thải; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.
Một số phương pháp xử lý rác thải trên thế giới
Hiện nay, trên thế giới, rác thải được xử lý theo một số phương pháp như sau:
Thứ nhất, chôn lấp không hợp vệ sinh, đổ thẳng ra môi trường, không xây lót chống thấm, không tường bao, thu gom xử lý nước rác thải. Công nghệ này phổ biến ở các nước nghèo và các nước đang phát triển.
Thứ hai, chôn lấp hợp vệ sinh, có đệm lót chống thấm, tường bao, hệ thống thu gom xử lý nước rác thải, thu khí mê-tan để phát điện, chỉ chôn lấp những thứ còn lại sau phân loại làm tái chế, tái sử dụng, làm phân compost (phân hữu cơ). Mô hình này khá phổ biến ở Mỹ và Canada.
Hệ thống biến rác thành năng lượng sạch thông qua lò đốt khép kín giúp Singapore xử lý 90% lượng rác xả ra mỗi năm. Ảnh minh họa |
Thứ ba, rác thải được đưa vào lò đốt sinh khối phân hủy thành tro. Do rác thải của Việt Nam có rất nhiều nhựa và nilon nên việc áp dụng công nghệ này sẽ phát thải khí độc, đặc biệt nguy hiểm là dioxin và furan (đây chính là chất độc màu da cam). Hai loại chất này phát tán ra môi trường trong điều kiện nhiệt trên 500oC, khi đến 1.200oC hai loại khí này sẽ không còn nhưng với điều kiện khí phát ra ở đầu ống khói phải dưới 70oC. Còn nếu không đạt được nhiệt độ này trong 5 giây, hai chất này sẽ tái tổ hợp lại và tồn tại vĩnh cửu trong không khí. Tuy vậy, thường ở Việt Nam, nhiệt độ lò không đạt đến 1.200oC, mặt khác, khi đốt sinh khối không thể kiểm soát khí thải, chỉ có thể xử lý khí thải sau khi đã đốt.
Thứ tư, đốt sinh khối phát điện. Hiện nay, công nghệ này được áp dụng rộng rãi, do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như giảm được 90 % - 95% thể tích và khối lượng chất thải, có thể tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát khí thải nhà kính so với biện pháp chôn lấp. Công nghệ này rất phổ biến ở châu Âu (có hơn 400 nhà máy điện rác) và các nước Đông Á. Ở Đan Mạch, 100% rác được đốt và thu hồi năng lượng. Nhiệt được sản xuất từ lò đốt được sử dụng để tạo ra hơi nước, mà sau đó, dùng chạy tua bin để sản xuất điện...
Nhật Bản có 304 nhà máy xử lý rác, với tổng công suất phát điện 1.673 MWh/năm. Singapore có khoảng 7.000 tấn rác được đưa vào 4 nhà máy đốt rác thải phát điện đủ cung cấp 3% tổng nhu cầu điện của "đảo quốc sư tử này". Đây bản chất là nhà máy điện than, song đốt rác còn nguy hại hơn đốt than. Trên thực tế, 90 - 95% năng lượng điện sản xuất được sử dụng cho các hoạt động của nhà máy, chỉ 5 - 10% phát lên lưới nên hiệu quả và tính khả thi không cao.
Thứ năm, công nghệ khí hóa Plasma, ở nhiệt độ rất cao, có khả năng làm sạch khí phát thải tốt hơn, nhưng lại rất hao tốn năng lượng nên giá thành rất cao, ngay cả các nước phương Tây cũng chỉ dùng cho việc xử lý rác thải độc hại. Các nước nghèo thường không có khả năng áp dụng công nghệ này.
Trong các phương pháp trên hiện có hai phương pháp được các nước phát triển trên thế giới sử dụng là chôn lấp hợp vệ sinh (tận dụng khí thải mê-tan từ bãi chôn lấp để phát điện) và đốt sinh khối để phát điện (gọi là điện rác). Cả hai phương pháp này đều yêu cầu bắt buộc là rác đầu vào phải được phân loại từ đầu nguồn theo các mục đích tái chế, tái sử dụng. Các nước phát triển áp dụng hai phương pháp trên khá thành công do họ đã hình thành được ý thức phân loại rác.
Ứng dụng công nghệ xử lý rác thải tại Việt Nam
Công nghệ giúp xử lý rác thải nhựa - cần sự phối hợp của 4 nhà: Nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ảnh minh họa |
Còn tại Việt Nam, các nhà máy xử lý rác áp dụng 2 phương pháp trên đến nay hầu hết chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đơn cử như nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện đầu tiên của Hà Nội, được xây dựng tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn trên diện tích 16.809m2, với tổng mức đầu tư trên 645 tỉ đồng. Đây từng được đánh giá là dự án tiên phong trong quy trình xử lý rác thải công nghiệp hiện đại chưa từng có tại Việt Nam và khu vực. Tuy nhiên, nhà máy này cũng chỉ xử lý được 75 tấn rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại/ngày và tạo ra 1.930kW điện, rất khiêm tốn so với tổng lượng rác phát sinh và những tháng gần đây nhà máy này đã không thể phát điện. Chưa kể, lượng rác đưa về Nam Sơn đã quá tải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, khiến người dân bức xúc phải dựng lều bạt để chặn không cho xe rác vào bãi tập kết, đã liên tục xảy ra trong nhiều tháng gần đây.
Ông Heinrich Seul, Tổng Giám đốc của Công ty Tư vấn Toàn Cầu CBE (Thái Lan) với kinh nghiệm 30 năm tư vấn cho các dự án xử lý rác trên toàn thế giới đã khẳng định, rác thải sinh hoạt của Việt Nam không thể đốt được theo phương pháp đốt sinh khối truyền thống do đặc điểm hỗn tạp và độ ẩm cao. Lượng rác đốt được chỉ chiếm một phần nhỏ so với lượng nhiên liệu đầu vào (chủ yếu là than) để có thể sản xuất ra cái gọi là “điện rác” (giá điện rác được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua lại với giá cao gấp đôi điện than).
Đối với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh thu hồi khí mê-tan, điển hình phải kể đến dự án Nhà máy rác Đa Phước tại TP Hồ Chí Minh. Theo thiết kế và cam kết trong hợp đồng, đây là nhà máy phân loại, tái chế, làm phân bón hữu cơ và tận dụng khí mê-tan thải từ bãi chôn lấp để phát điện. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, công nghệ này vẫn chỉ "nằm trên giấy". Hiện, TP Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư triển khai công nghệ đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn/ngày. Được biết, đề án này vẫn chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt. Tương tự, một số nhà máy ở Hà Nam, Thừa Thiên - Huế sử dụng công nghệ này nhưng đến nay chỉ là những bãi chôn lấp, đốt rác với ống khói khói đen ngụt trời.
Đến lúc này, Việt Nam chưa có một lò đốt rác phát điện hoàn chỉnh, hiện đại nào đi vào hoạt động, chưa có một công trình “demo” nào để khẳng định tính hiệu quả. Vì vậy, để các công nghệ đốt rác phát điện này có khả năng áp dụng tại Việt Nam thì cần đảm bảo 3 tiêu chí: Bền vững, chi phí và sản phẩm đầu ra cuối cùng.
Xem tiếp kỳ sau:
Bài 3: Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam