Bài toán về nhân lực trong chuyển dịch năng lượng bền vững

Để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trong chuyển dịch năng lượng, cần tiếp tục tập trung nguồn lực, hỗ trợ phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong NLTT, công nghệ lưu trữ năng lượng và truyền tải điện năng.
Việt Nam phát triển năng lượng sạch: Cần những chính sách đột pháQuy hoạch điện VIII: Cơ chế mới thúc đẩy đột phá năng lượng Việt NamTháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạchNăm 2023 sẽ giám sát việc thực hiện chính sách về năng lượng tái tạoChính sách phát triển năng lượng sạch - Từ nhận thức đến thực tiễn

Chuyển dịch năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Cộng đồng quốc tế đang “chạy đua” trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch và hạt nhân sang năng lượng tái tạo. Trong xu thế đó, chuyển dịch năng lượng bền vững, công bằng cũng là định hướng phát triển của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, ngành năng lượng Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển dịch và phát triển nhanh chóng. Việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo vừa bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa tận dụng được nguồn đất hoang hóa không thể canh tác nông nghiệp đối với dự án nối lưới.

Bên cạnh đó, xu hướng này cũng làm gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương, doanh nghiệp và tạo việc làm cho người lao động; giúp hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

PGS.TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực: "Việc phát triển, chuyển dịch năng lượng thành công đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị, trong đó có giới nghiên cứu khoa học".

Trên thực tế, phát triển nguồn năng lượng tái tạo để thay thế tài nguyên hóa thạch đang dần cạn kiệt là xu hướng của nhiều quốc gia. Chuyển dịch năng lượng là một quy luật tất yếu của xã hội, đóng vai trò đảm bảo an ninh năng lượng, tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững. Chuyển dịch năng lượng cũng góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như duy trì sự phát triển.

Trao đổi về quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam nằm trong xu thế chuyển dịch năng lượng của thế giới, PGS.TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực (Bộ Công thương) nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong 6 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất do tác động của biến đổi khí hậu. Tại COP 26, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Việc phát triển, chuyển dịch năng lượng thành công đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị, trong đó có giới nghiên cứu. Khai thác, điều hành hệ sinh thái năng lượng đòi hỏi sự đóng góp rất quan trọng của các nhà khoa học”.

Giải bài toán nhân lực và khoa học công nghệ trong chuyển dịch năng lượng - Ảnh 2
Chuyển dịch năng lượng là một quy luật tất yếu của xã hội, đóng vai trò đảm bảo an ninh năng lượng, tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

Trong chiến lược bảo vệ môi trường, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã xác định rằng, quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng tại Việt Nam gặp phải một số rào cản chính như thể chế, chính sách, tài chính, kỹ thuật, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực,…

Đi cùng với sự phát triển nhanh của các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong thời gian qua, vấn đề nguồn nhân lực và công nghệ đã và đang là “bài toán” được đặt ra cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và xã hội.

Sự gia tăng các nhà máy, công trình năng lượng tái tạo đã kéo theo nhu cầu đào tạo để cung ứng nguồn nhân lực có chuyên môn cho thị trường lao động ngành năng lượng tái tạo. Việc này đang tạo cơ hội đào tạo sinh viên ngành năng lượng tái tạo của nhiều trường đại học, cũng như lao động trẻ với cơ hội việc làm cho các nhà máy, dự án đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo.

Đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao khoa học, công nghệ

Tại Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng: Đào tạo nhân lực, nghiên cứu và công nghệ” do Trường Đại học Điện lực tổ chức ngày 6/5 vừa qua, PGS.TS Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đai học Điện lực, cho rằng, câu hỏi lớn đặt ra là làm sao để chuyển dịch năng lượng thành công, phục vụ phát triển bền vững, thân thiện với môi trường? Các tác động đến môi trường, xã hội và kinh tế của việc sản xuất năng lượng bền vững là gì? Chúng ta có thể làm gì để đảm bảo công bằng trong quá trình chuyển dịch năng lượng sắp diễn ra trên các bình diện kinh tế, chính trị, xã hội? Vai trò của các bên liên quan và làm sao để kêu gọi sự tham gia của các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng trong công cuộc chuyển đổi năng lượng?

“Nhiều ý kiến cho rằng nghiên cứu công nghệ mới gắn với đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này là một trong những vấn đề cốt lõi nhất cho sự thành công trong chuyển dịch năng lượng”, PGS.TS Đinh Văn Châu cho hay.

Tại Hội thảo, nhiều vấn đề liên quan đến phát triển ngành năng lượng của Việt Nam đã được các chuyên gia đưa ra. Trong đó có vấn đề liên quan đến chính sách về năng lượng do GS.TSKH Trần Quốc Tuấn - Đại học Quốc gia Khoa học và Công nghệ hạt nhân (INSTN), Đại học Paris Saclay, Giám đốc nghiên cứu CEA Liten-INE trình bày.

Cùng một loạt các vấn đề nóng, nổi cộm trong phát triển năng lượng tái tạo như: Phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam và trên thế giới; lưới điện thông minh; chuyển đổi số trong hệ thống điện; tự động hóa hệ thống điện; năng lượng tái tạo và tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện…

Trên cơ sở đó, để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trong chuyển dịch năng lượng, TS. Nguyễn Đình Hậu – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - xã hội (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để hỗ trợ phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ lưu trữ năng lượng và hệ thống truyền tải điện năng.

Bên cạnh đó, hình thành các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn nhằm giải quyết trực tiếp các bài toán thực tiễn với sự tham gia của tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực năng lượng.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng chia sẻ, năng lượng là bài toán quan trọng và phức tạp mà mọi quốc gia đều phải đối mặt, điều này càng khó khăn hơn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Sự phát triển của các công nghệ năng lượng mới đang đặt Việt Nam trước nhiều thách thức và thời cơ để hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

“Một trong các giải pháp quan trọng để tận dụng được thời cơ này là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời làm chủ các công nghệ năng lượng mới, bền vững như công nghệ điện gió và điện mặt trời. Điều này hoàn toàn khả thi với sự vào cuộc đồng bộ của các nhà quản lý, các doanh nghiệp và nhà khoa học, cùng với đó là sự hợp tác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển,... và các hiệp hội năng lượng quốc tế”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay.

Nhấn mạnh về vai trò của khoa học và công nghệ trong việc đưa Việt Nam trở thành công xưởng chế tạo trong ngành công nghiệp năng lượng, chuyên gia Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, khẳng định, trong những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ của ngành điện đã đạt được nhiều thành tựu, nhiều nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Nhiều công trình điện được đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, trình độ khoa học và công nghệ ngành điện tiệm cận trình độ tiên tiến trong khu vực.

Lan Anh

Xem thêm

Liên kết