Việt Nam phát triển năng lượng sạch: Cần những chính sách đột phá

Đáp ứng yêu cầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển 2021-2030 là một thách thức lớn và đòi hỏi Việt Nam, cần có chủ trương và chính sách thực sự đột phá để phát triển trong lĩnh vực năng lượng.
Quy hoạch điện VIII: Cơ chế mới thúc đẩy đột phá năng lượng Việt NamTháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạchNăm 2023 sẽ giám sát việc thực hiện chính sách về năng lượng tái tạoNgày Trái Đất 22/4: Việt Nam hướng tới tiết kiệm năng lượngChính sách phát triển năng lượng sạch - Từ nhận thức đến thực tiễn

Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững

Mới đây, ngày 19/4, Ban Kinh tế Trung ương với vai trò chỉ đạo chuyên môn phối với Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len tại Việt Nam tổ chức Đối thoại lần thứ hai về Chuyển dịch năng lượng Việt Nam với Hội đồng Chuyển dịch năng lượng COP26.

Theo đó, Đối thoại tập trung vào phân tích, chia sẻ một số vấn đề liên quan đến chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam đặt trong trong bối cảnh các xu thế lớn về chuyển dịch năng lượng trên thế giới và hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch tại Việt Nam gắn với những cơ hội, thách thức và thực tế triển khai hiện nay và trong thời gian tới… Đối thoại có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về mục tiêu trung hoà phát thải khí nhà kính vào năm 2050.

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, bảo đảm an ninh năng lượng là mục tiêu xuyên suốt và được Việt Nam xác định trong suốt 35 năm đổi mới vừa qua. Đặc biệt trong Nghị quyết số 55 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, khẳng định rõ bảo đảm an ninh năng lượng bền vững quốc gia của Việt Nam cần gắn với yêu cầu bảo đảm an toàn môi trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về trung hòa carbon vào năm 2050 tại COP26.

Việt Nam phát triển năng lượng sạch: Cần chủ trương, chính sách đột phá - Ảnh 1
Bảo đảm an ninh năng lượng bền vững cần gắn với yêu cầu bảo đảm an toàn môi trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về trung hòa carbon vào năm 2050 tại COP26.

Song áp lực của bảo đảm an ninh năng lượng bền vững trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển 2021-2030 là một thách thức lớn và đòi hỏi Việt Nam cần có chủ trương và chính sách thực sự đột phá để phát triển trong lĩnh vực năng lượng.

Nghị quyết 55-NQ/TW đã nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng hiện nay là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả, triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đồng thời phát triển lộ trình hợp lý các nguồn năng lượng truyền thống, năng lượng hóa thạch. Hiện nay các cơ quan của Chính phủ đang tích cực xây dựng quy hoạch điện lực quốc gia; quy hoạch chung về phát triển năng lượng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, cần có ý kiến của các cơ quan trong nước, quốc tế để hoàn thiện.

Cũng tại buổi Đối thoại, các ý kiến và thảo luận nổi bật bao gồm định hướng Quy hoạch điện VIII và sự cần thiết của lộ trình giảm than, đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, chuyển dịch năng lượng, hướng đến cam kết phát thải ròng bằng 0, trong đó có tính đến giá điện phù hợp, đảm bảo yêu cầu phát triển thị trường điện minh bạch, cơ chế giá khởi tạo ban đầu cho điện gió ngoài khơi, liên kết chuỗi cung ứng và giá trị, giải quyết vấn đề quy hoạch không gian biển và sự cần thiết tập trung vào các dự án điện gió ngoài khơi có quy mô lớn.

Về dài hạn, nhiều ý kiến đề xuất về sự cần thiết rà soát và điều chỉnh Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, ban hành các luật mới như Luật Năng lượng tái tạo, Luật Biến đổi khí hậu, các hành lang, khuôn khổ chung để tạo điều cho sự tham gia của khối tư nhân với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành, giữa các ngành, và liên quan nhiều đến ngành công thương.

Nhìn nhận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho rằng, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức về dài hạn. Mức độ lệ thuộc vào nhập khẩu năng lượng tại Việt Nam đang ngày càng lớn. Yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam là đảm bảo nguồn cung liên tục, ổn định với mức giá chấp nhận được để đảm bảo sự tiếp cận của người dân đối với năng lượng.

Hiện nay Bộ Công thương đang hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ sử dụng các nguồn năng lượng sạch, hạn chế tối đa tác động đến môi trường.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đặc biệt quan trọng, có độ phức tạp cao và được nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học cũng như các địa phương trong cả nước quan tâm. Quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch điện VIII của Chính phủ là "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết".

Phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo cả nước

Theo đại diện Bộ Công Thương, về cập nhật tình hình triển khai xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII, đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận tập trung vào đề xuất cơ chế, chính sách phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo phù hợp với yêu cầu nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận khẳng định địa phương là một trong những địa phương có tiềm năng lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo với lượng gió trong năm và bức xạ mặt trời cao nhất cả nước.

Thực hiện chủ trương Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị và được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, thời gian qua Ninh Thuận đã có bước phát triển bứt phá, hiệu quả. Tính đến cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 49 dự án năng lượng với tổng công suất 3.055,6 MW hòa lưới điện quốc gia mang lại đóng góp lớn cho ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Xác định phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo là trụ cột, là động lực và là một trong những ngành đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới. Bên cạnh đó, kiến nghị Ban Kinh tế Trung ương báo cáo Bộ Chính trị về một số cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy năng lượng năng lượng tái tạo phát triển, sớm góp phần đưa Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Trong đó, đề xuất đồng ý chủ trương lập quy hoạch Trung tâm năng lượng tái tạo Ninh Thuận; có cơ chế chính sách thu hút đầu tư hình thành Trung tâm nghiên cứu, sản xuất, bảo trì các thiết bị, linh kiện phục vụ cho ngành năng lượng tái tạo. Xem xét chấp thuận phê duyệt chuyển quy mô công suất nguồn điện hạt nhân 4.600 MW thay thế bằng nguồn điện khí LNG với quy mô công suất tương đương vào Trung tâm điện lực Cà Ná bổ sung vào Quy hoạch điện VIII. Với nhiều tiềm năng, thế mạnh và nhiều “dư địa” phát triển, Ninh Thuận quyết tâm tạo đột phá, mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ.

Lan Anh