Bảo vệ đại dương phát triển bền vững kinh tế biển

Đó là chủ đề của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2021. Đây cũng là dịp để các Bộ, ngành và địa phương quyết tâm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển.
Phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tếKinh tế biển: Cơ hội ‘bứt phá' cho các tỉnh ven biển trong tương laiBảo vệ đại dương - vì sự sống con người

“Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam” là một trong những mục tiêu đặt ra nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, diện tích biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán gấp 3 lần diện tích đất liền, Việt Nam có nhiều lợi thế để đẩy mạnh phát triển về biển. Để trở thành một quốc gia mạnh về biển, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, cụ thể hóa và thể chế hóa nội dung này. Trung ương khóa XII tại kỳ họp 8 đã thông qua Nghị quyết 36 về Chiến lược Phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

tm-img-alt
Năm 2021, là năm được Liên hợp quốc phát động cho một Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên mọi lục địa và đại dương. 

Như đã thấy, đại dương của chúng ta đang hứng chịu những tác động nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm và suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học. Do vậy, sự phát triển, tồn vong của nhiều dân tộc, quốc gia bị đe dọa. Những thách thức này ngày càng bị trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19 đang gây ra những hệ lụy to lớn và làm phân tán nguồn lực dành cho các nỗ lực phát triển kinh tế biển và bảo vệ đại dương. Vì vậy, chúng ta cần khẩn trương hành động và tăng cường khả năng thích ứng ngay từ bây giờ.

Việt Nam đang triển khai các hoạt động trong Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2021 trên phạm vi cả nước. Tuần lễ có chủ đề “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”. Chủ đề này cũng là một trong những mục tiêu nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bảo vệ đại dương cùng với phát triển kinh tế biển 

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2021 tập trung thông tin, tuyên truyền toàn diện các vấn đề liên quan đến biển, đảo như tuyên truyền về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển theo luật pháp quốc tế; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Để bảo vệ đại dương và phát triển sinh kế biển bền vững, các tỉnh, thành phố cũng chú trọng tuyên truyền tới người dân về xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; Hợp tác quốc tế về những lĩnh vực liên quan đến biển, đảo.

Trong dịp này, các địa phương được khuyến khích tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm theo hình thức trực tuyến về công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo theo hướng phát triển bền vững và quản lý thống nhất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Cùng với đó là tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo, khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng, bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng.

Theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; Đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển kinh tế biển; Hình thành văn hoá sinh thái biển; Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

tm-img-alt
Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh.

Cụ thể, Việt Nam phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; Bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; Tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Việc phát triển kinh tế biển của Việt Nam cũng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên, phục hồi hệ sinh thái biển, gắn liền với bảo đảm quốc phòng – an ninh và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển bằng 65-70% GDP cả nước.

Tiến sĩ Tạ Đình Thi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết:"Cách tiếp cận của chúng ta hết sức toàn diện và tổng thể. Mục tiêu đặt ra là phải tập trung tổ chức bài bản và có hệ thống. Đây là khâu hết sức quan trọng. Trước hết là tập trung vào các khâu đột phá, đó là về thể chể, về khoa học, về nhân lực cũng như là hạ tầng. Đây là nữn vấn đề cốt lõi. Cùng với đó là triển khai đồng bộ các giải pháp. Có như vậy mới đem lại hiệu quả cao trong phát triển bền vững kinh tế biển".

“Chúng ta cần có những chiến lược sinh kế biển cụ thể; Các bộ, ban, ngành và doanh nghiệp cùng vào cuộc; Cần có lựa chọn các chiến lược sinh kế đa dạng, có kế hoạch và bền vững hơn, như: từ sinh kế truyền thống chủ yếu dựa vào nguồn lực tự nhiên và tài nguyên biển, người dân tiến hành các hoạt động cải thiện sinh kế, đa dạng hóa sinh kế, sinh kế bổ sung và sinh kế thay thế (có thể là sinh kế phụ trợ hoặc phi nông nghiệp); Sinh kế hướng tới đa mục tiêu như: tăng thu nhập, giảm thiểu rủi ro, giảm phụ thuộc vào tài nguyên, phát triển ổn định và bền vững trong dài hạn. Đi đôi với khai thác kinh tế, chúng ta phải tính đến việc quản lý và phát triển kinh tế biển gắn chặt với bảo vệ môi trường là điều hết sức quan trọng để Việt Nam hướng tới các mục tiêu của Thập kỷ, vì một “đại dương an toàn”, “đại dương thấu hiểu” và “đại dương tường minh”.”  Ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhận định.

Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển là xu thế tất yếu của nhân loại. Hầu hết các quốc gia đều hướng ra biển. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp cận xu hướng phát triển của quốc tế để bảo đảm sự phát triển bền vững.

Ngày Đại dương thế giới (ngày 8/6 hằng năm) do Liên Hợp Quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Chủ đề của Ngày Đại dương Thế giới năm nay là: “Đại dương: Sự sống và sinh kế” với thông điệp làm nổi bật sự đa dạng hệ sinh thái biển, lan tỏa ý nghĩa của đại dương đối với hoạt động sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên Trái Đất.

Phương Anh