Kinh tế biển: Cơ hội ‘bứt phá' cho các tỉnh ven biển trong tương lai

Với tiềm năng và lợi thế lớn về biển, 28 tỉnh, thành phố ven biển cần xác định kinh tế biển là động lực phát triển chính để xây dựng đất nước thịnh vượng và yên bình, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo trong giai đoạn mới.
TS Tạ Đình Thi: Kinh tế biển, ven biển sẽ trở thành một trong những nền tảng chủ đạoNỗ lực phát triển kinh tế biển xanhPhát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trườngKinh tế biển Việt Nam: Tiềm năng và thách thức

Lợi thế về kinh tế biển

Vùng biển Việt Nam rộng gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, đường bờ biển dài trên 3.260 km, với độ sâu trung bình 3.710 m và tổng khối nước 1,37 tỉ km3. Vì vậy, biển có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế biển và giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều nghiên cứu cho thấy, biển Việt Nam chứa đựng những tiềm năng phát triển kinh tế to lớn.

Trong đó, sinh vật biển là nguồn lợi quan trọng nhất, bao gồm hàng trăm nghìn loài động vật, thực vật và vi sinh vật, là nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp hoá chất… Các số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, sản lượng khai thác từ biển và đại dương đã có những phát triển vượt bậc. Năm 2018 đạt hơn 7,74 triệu tấn, gấp 5,6 lần so với năm 1995. Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường; kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 1 tỉ USD (năm 1999) và đạt gần 9 tỉ USD (năm 2018), đưa Việt Nam vào vị trí các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Mức tăng bình quân kim ngạch xuất khẩu giai đoạn này đạt 13,3%.

Bên cạnh đó, biển và đại dương cũng là nguồn cung cấp hóa chất và khoáng sản với trữ lượng lớn. Trong đó, tổng lượng muối tan chứa trong nước biển là 48 triệu km3. Các loại khoáng sản khai thác chủ yếu từ biển như dầu khí, quặng Fe, Mn, quặng sa khoáng và các loại muối. Năng lượng sạch từ biển và đại dương như năng lượng thuỷ triều (than xanh), năng lượng sóng... hiện đang được khai thác phục vụ vận tải biển, chạy máy phát điện và nhiều lợi ích khác của con người.

Đặc biệt, tiềm năng nổi bật của kinh tế biển Việt Nam là nguồn tài nguyên dầu khí, trữ lượng ước tính khoảng 3,0-4,5 tỉ m3 quy dầu quy đổi, chủ yếu là khí (chiếm trên 50%) và tập trung chủ yếu ở thềm lục địa. Trữ lượng tài nguyên dầu khí đã phát hiện vào khoảng 1,365 tỉ m3 quy dầu, chiếm 30-35% tổng trữ lượng và tiềm năng dầu khí dự báo của Việt Nam, trong đó khí thiên nhiên chiếm trên một nửa.

Biển và hải đảo cũng là nơi chứa đựng tiềm năng lớn để phát triển du lịch, tham quan, giải trí... Các bãi cát rộng, dài; các phong cảnh đẹp tạo thuận lợi cho việc xây dựng các khu du lịch và nghỉ dưỡng. Hơn nữa, Việt Nam sở hữu nhiều khu vực ven biển có rừng ngập mặn (rừng ngập mặn Cà Mau, rừng ngập mặn cần Giờ…) cùng nhiều làng nghề, lễ hội độc đáo nên tạo điều kiện rất tốt cho phát triển du lịch.

Bên cạnh những tiềm năng về tài nguyên - môi trường, biển Việt Nam còn có khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2.773 đảo ven bờ với tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.720 km2, 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa (gồm hơn 200 đảo) và các đối tượng địa lý (187 đảo).

Hệ thống đảo Việt Nam có vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và phát triển kinh tế biển nói riêng. Với vị trí phân bố đặc thù, hệ thống đảo có lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế biển, đảo. Ðây được coi là ưu thế nổi bật, đặc thù của hệ thống đảo mà các vùng khác không có được.

tm-img-alt
Phú Yên có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển. (Ảnh: baochinhphu.vn) 

Cơ hội để “bứt phá”

Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm giảm tốc độ phát triển nhưng kinh tế biển vẫn là một động lực tăng trưởng mới, là cơ hội để các tỉnh, thành phố bứt phá vươn lên. Để có thể nắm bắt được cơ hội này, các địa phương ven biển cần phải phát triển kinh tế biển trên quan điểm gắn với phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, tận dụng được các thành tựu của cuộc cách mạng lần thứ tư và phải tính đến các yếu tố tác động do dịch Covid-19 gây ra.

Một là, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế biển và vùng ven biển. Cần có nhận thức thống nhất tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị về phát triển kinh tế biển, gắn phát triển kinh tế biển với đảm bảo chủ quyền biển, hải đảo.

Hai là, dịch Covid-19 đã và đang thay đổi thói quen, hành vi của người dân và cả cách thức các ngành kinh tế vận hành và phát triển. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kinh tế biển thời hậu đại dịch sẽ có những thay đổi mới, trong đó đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường là xu thế chính. Việc đánh bắt thuỷ hải sản theo cách tận diệt, một nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm lượng thuỷ hải sản, đang dần được thay thế bằng việc nuôi trồng ở quy mô công nghiệp. Một số ngành nuôi biển xa bờ được dự báo có sự phát triển nhanh nhờ vào sự tiến bộ của các giải pháp công nghệ cũng như nhu cầu tăng cao về lương thực trong bối cảnh gia tăng dân số, đặc biệt là thực phẩm sạch.

Việc sử dụng năng lượng trong hoạt động biển, hoạt động hàng hải cũng hướng đến xanh hơn, giảm phát thải khí CO2. Năng lượng tái tạo như điện gió, điện khí, điện thuỷ triều, điện mặt trời nổi trên biển… sẽ là lĩnh vực được quan tâm đầu tư trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về năng lượng cũng như giải quyết được các vấn đề về bền vững. Ngành du lịch cũng sẽ có sự thay đổi hướng đến sự bền vững, thân thiện với môi trường. Chúng ta cần phải nắm bắt được những xu thế phát triển chính này để có được giải pháp phát triển, từng ngành cụ thể một cách phù hợp.

Ba là, cần có những chính sách để tập trung thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển phát triển mạnh sau đại dịch như năng lượng tái tạo, nuôi biển, nuôi trồng thuỷ hải sản quy mô công nghiệp, du lịch biển… Trong đó, định hướng phát triển cần theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường cũng như bảo vệ, phát triển cộng đồng dân cư địa phương.

Việc đầu tư, thu hút đầu tư cũng cần được lựa chọn, tính toán cẩn thận dựa trên quy hoạch, chiến lược để phát huy thế mạnh của từng địa phương, gắn với khai thác được tiềm năng, lợi thế liên kết vùng trong phát triển, tránh đầu tư tràn lan. Các sản phẩm cần được phát triển thành quy mô công nghiệp. Mỗi địa phương, mỗi vùng cần xác định và chỉ phát triển một vài sản phẩm có thế mạnh để có thể tập trung đầu tư hạ tầng, công nghệ sản xuất, chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Không thể phủ nhận, những năm vừa qua, Nhà nước luôn ưu tiên đầu tư cho biển, đảo trong tổng chi ngân sách Nhà nước, thể hiện sự cố gắng lớn của Nhà nước. Nhờ sự đầu tư tập trung của Nhà nước nên đã phần nào đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế biển, đảo. Các công trình được đầu tư đã và đang phát huy tốt hiệu quả. Tuy nhiên, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo từ nay đến năm 2020 cần hàng trăm nghìn tỉ đồng, trong đó từ nguồn ngân sách khoảng 60%, còn lại là các nguồn vốn xã hội.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII của Đảng (10/2018) đã tổng kết, đánh giá toàn diện về việc thực hiện Chiến lược biển và công bố Nghị quyết mới về biển có tên gọi “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - Nghị quyết số 36/NQ-TW. Đây là chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam trong việc khai thác hợp lý các nguồn lực từ biển để phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước. 

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, TS.Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội khẳng định, đã đến lúc phải nhìn nhận kinh tế biển một cách toàn diện hơn. Phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, bảo đảm quyền lợi lâu dài của đất nước, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia giàu mạnh về biển và hải đảo, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.

Theo ông Phạm Đại Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, trong bối cảnh hiện nay, phát triển kinh tế biển nổi lên như là một động lực tăng trưởng mới, bù đắp vào sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế nội địa. Đồng thời, cũng là giải pháp để các quốc gia gia tăng ảnh hưởng tại các vùng biển, hải đảo, đặc biệt là các khu vực có nguồn lợi hải sản, trữ lượng tài nguyên, dầu mỏ lớn, các khu vực có tranh chấp và các khu vực có các tuyến thương mại quan trọng của thế giới. Đối với 28 địa phương ven biển, kinh tế biển chính là cơ hội để tỉnh bứt phá, nắm bắt cơ hội của thời cuộc để phát triển vươn lên mạnh mẽ.

Ngọc Ánh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết