Phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển phải gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng hợp tác quốc tế.
Kinh tế tuần hoàn ‘cánh cửa’ đưa Việt Nam tới phát triển bền vữngTS Lê Đình Nghị: Kinh tế tuần hoàn hội tụ nhiều lợi ích để doanh nghiệp phát triển bền vữngPhát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trườngPhát triển kinh tế biển phải gắn kết hài hoà với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường

Tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh

Phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển là quan điểm giữ vai trò chủ đạo trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Nghị quyết 36 - NQ/TW – Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Theo đó, Đảng ta chủ trương đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế bằng việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ theo hướng hiện đại, ưu tiên hiện đại hoá một số quân chủng, binh chủng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển; Không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển; Bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển.

tm-img-alt
Phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh đối ngoại và hợp tác quốc tế. 

Nâng cao năng lực ứng phó với các mối đe doạ an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng các vấn đề về biển, đảo để chống phá. Kiên trì xây dựng và duy trì môi trường hoà bình, ổn định và trật tự pháp lý trên biển, tạo cơ sở cho việc khai thác và sử dụng biển an toàn, hiệu quả.

Tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn, sử dụng bền vững biển và đại dương; Tranh thủ tối đa các nguồn lực, sự hỗ trợ quốc tế để nâng cao năng lực quản lý và khai thác biển, trong đó chú trọng các lĩnh vực khoa học, công nghệ, tri thức và đào tạo nguồn nhân lực.

Đối với nhiệm vụ tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển, Đảng đề ra giải pháp, cần hoàn thiện tổ chức các lực lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển. Đầu tư trang thiết bị hiện đại, chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tăng cường khả năng hiệp đồng, tác chiến của các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đất nước.

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực hoạt động của các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng khu vực biển, đảo; Bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư, người lao động và các hoạt động kinh tế khu vực biển; Xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng biển, đảo.

Mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển

Để chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, Đảng yêu cầu thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá; Chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển, đồng thời chủ động, tích cực giải quyết, xử lý các tranh chấp, bất đồng trên biển Đông bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; Giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định và hợp tác để phát triển.

Tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các nước bạn bè truyền thống, các nước có tiềm lực về biển, các nước có chung lợi ích trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi và phù hợp với luật pháp quốc tế. Chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là các hoạt động hợp tác biển trong khuôn khổ ASEAN; Phối hợp với các nước thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), thúc đẩy ký Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý, sử dụng, bảo tồn bền vững biển, đại dương; Thực hiện nghiêm túc các điều ước, thoả thuận khu vực và quốc tế về biển, đại dương mà Việt Nam đã tham gia; Nghiên cứu tham gia các điều ước quốc tế quan trọng về biển, trước mắt ưu tiên các lĩnh vực về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển.

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Bước đầu đạt được nhiều thành tự to lớn

Theo TS Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ yêu cầu của thực tế xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá X đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng chiến lược và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển, đảo Việt Nam, nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

“Trên biển, chủ quyền quốc gia được giữ vững, an ninh cơ bản được đảm bảo; Đã xây dựng được thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Nhiều lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, trở thành nòng cốt bảo vệ chủ quyền, an ninh, bảo đảm trật tự và thực thi pháp luật trên biển, bảo đảm an toàn cho người dân và các hoạt động kinh tế trên biển, khu vực ven biển”, TS Tạ Đình Thi nói.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS Tạ Đình Thi cho biết, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, đảo được triển khai chủ động, toàn diện; Giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi chính đáng của quốc gia, dân tộc, nâng cao vị thế đất nước; Mở rộng, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác và tin cậy chính trị với các nước láng giềng, các đối tác lớn, quan trọng; Chủ động, tích cực giải quyết và xử lý các tranh chấp, bất đồng trên biển. Hợp tác quốc tế được triển khai tích cực ở các cấp, các ngành với nhiều đối tác, đa dạng về hình thức và trải rộng trên các lĩnh vực, góp phần nâng cao năng lực quản lý, khai thác, sử dụng biển, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai…

Trên cơ sở báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; Đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; Hình thành văn hoá sinh thái biển; Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; Phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”.

Thanh Mai
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường