Bảo vệ và phục hồi bền vững đất ngập nước vì sự sống hành tinh

Vùng đất ngập nước có vai trò rất lớn đối con người và thiên nhiên, bởi nó góp phần giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì sự sống con người.
Bảo tồn, sử dụng vùng đất ngập nước vì mục tiêu phát triển bền vữngBảo tồn và sử dụng khôn khéo vùng đất ngập nướcĐất ngập nước, Nước và Sự sống không thể tách rờiBảo tồn vùng đất ngập nước để phát triển bền vững

Đất ngập nước là hệ sinh thái rất quan trọng, làm gia tăng sự đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì nguồn nước ngọt sẵn có, cung cấp nguyên liệu cho nền kinh tế; Duy trì sự sống, đảm bảo sự thịnh vượng và tồn tại của con người trên Trái Đất.

Mặc dù vùng đất ngập nước chỉ chiếm 0,75% lượng nước ngọt thế giới nhưng lại trực tiếp cấp nước cho các hoạt động của con người. Nó đảm bảo nguồn cấp nước cho thế giới thông qua quá trình thu giữ và lưu trữ nước mưa, bổ sung vào các tầng chứa nước ngầm, điều tiết lượng nước, giữ cho lưu vực đầu nguồn trong lành, cung cấp nước uống an toàn một cách tự nhiên; Giúp các đô thị, làng mạc được bảo vệ bởi sự phá hủy bởi các cơn bão.

Vùng đất ngập nước có vai trò rất lớn đối con người và thiên nhiên bởi nó có thể lọc các chất độc hại; Lưu trữ carbon giúp chống lại các tác động của biến đổi khí hậu; Giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong điều kiện thời tiết cực đoan; Lưu trữ nước mưa, nước chảy tràn khi mưa bão giúp giảm lũ lụt và hỗ trợ cấp nước khi hạn hán; Đảm bảo đa dạng sinh học, là môi trường sống của hơn 100.000 loài sinh vật; Đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn và tạo nên các nguồn sinh kế cho người dân. Hiện nay vùng đất ngập nước cung cấp gạo cho 3,5 tỷ người trên thế giới; Hơn 1 tỷ người hiện đang sinh sống dựa vào các vùng đất ngập nước; Có tới 40% các loài sinh vật sống hoặc dựa vào những vùng đất ngập nước.

Bảo vệ và phục hồi bền vững đất ngập nước vì sự sống hành tinh - Ảnh 1
Vùng đất ngập nước có vai trò rất lớn đối con người và thiên nhiên, đảm bảo sự thịnh vượng và tồn tại của con người trên Trái Đất. (Ảnh minh họa)

Theo Chương trình Môi trường LHQ, trung bình mỗi ha san hô cung cấp 130.000 USD giá trị hàng hóa và dịch vụ, thậm chí có thể lên tới 1,2 triệu USD.

Các vùng đất ngập nước ở Việt Nam đã cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đạt trên 10 tỷ USD năm 2017. Do đó, hãy yêu quý, bảo vệ và phục hồi các vùng đất ngập nước.

Để bảo vệ các vùng đất ngập nước, từ năm 1971 Công ước về các vùng Đất ngập nước (Công ước Ramsar) đã được ra đời. Đây là hiệp ước quốc tế với sứ mệnh “bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua các hành động của địa phương, khu vực, quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới" với sự tham gia của 172 quốc gia thành viên.

TS Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, cho rằng khôi phục các vùng đất ngập nước đã bị suy thoái là cách hiệu quả và kinh tế để tăng lưu giữ nước mặt và nước ngầm, cải thiện chất lượng nước, duy trì sản xuất nông nghiệp, thủy sản và bảo vệ đa dạng sinh học. Các giải pháp để dừng các hoạt động làm suy thoái đất ngập nước cần được chú trọng.

Khôi phục đất ngập nước và duy trì chu kỳ thủy văn là vô cùng quan trọng đối với việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ lũ, cấp nước, cung cấp thực phẩm và bảo tồn đa dạng sinh học. Đất ngập nước ven biển sẽ đóng một phần quan trọng trong các chiến lược ứng phó với các vấn đề trong khu vực ven biển do nước biển dâng gây ra.

6 giải pháp phục hồi tập trung

Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam có gần 12 triệu ha đất ngập nước, trong đó chưa kể diện tích sông, suối ngập nước theo mùa và suối, điểm nước nóng, nước khoáng, chiếm 37% tổng diện tích đất tự nhiên toàn quốc, được phân bố ở mọi vùng sinh thái với sự đa dạng về các kiểu loại và phong phú về đa dạng sinh học.

Đất ngập nước ở Việt Nam được phân thành 2 nhóm với 26 kiểu, gồm đất ngập nước nhân tạo, tự nhiên (nội địa và ven biển). Đất ngập nước nhân tạo chiếm tỷ lệ lớn nhất là 72% tổng diện tích đất ngập nước, trong đó riêng đất trồng lúa chiếm 67%, đất ngập nước ven biển 18%, còn lại 10% là đất ngập nước nội địa.

Ước tính có khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt. Có trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển với 6.300 loài sinh vật đáy, 2.500 loài cá, 653 loài rong biển, trên 300 loài san hô, 94 loài cây ngập mặn, 15 loài rắn biển và 25 loài động vật biển có vú.

Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Việt Nam là quốc gia thứ 50 trên thế giới và đầu tiên của khu vực ASEAN chính thức tham gia Công ước Ramsar từ năm 1989.

Hơn 30 năm gia nhập Công ước về các vùng đất ngập nước, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quản lý đất ngập nước, tạo cơ sở pháp lý trong việc quản lý và phát triển bền vững đất ngập nước ở Việt Nam.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật về quản lý đất ngập nước nhằm nội luật hóa các quy định của Công ước, đồng thời triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước trên toàn quốc.

Mới đây, ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Ramsar.

Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam hoàn thành việc điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; xác lập được các vùng đất ngập nước quan trọng, các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng được cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước quan trọng.

Đến năm 2030, tất cả các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được tổ chức điều tra, đánh giá, quản lý, quan trắc, giám sát theo quy định tại Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước và hướng dẫn của Công ước Ramsar; cả nước có 15 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar; tăng số lượng các khu bảo tồn đất ngập nước; phục hồi được ít nhất 25% vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái.

Các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát triển các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường; Chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với vùng đất ngập nước quan trọng được áp dụng tại khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar; Năng lực và trang thiết bị cho các tổ chức, cá nhân làm công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng được tăng cường.

Để thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ, 6 nhóm giải pháp được tập trung gồm: Hoàn thiện các văn bản chính sách, pháp luật về quản lý các vùng đất ngập nước; Tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý về đất ngập nước; Đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, tăng cường thực thi pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước.

Lan Anh (T/h)

Xem thêm

Liên kết