Trong quá trình triển khai quy hoạch, Bến Tre còn gặp những khó khăn, trong đó, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được BVMT trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt như: Việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý; rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn; thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển rác không đảm bảo kỹ thuật gây mất vệ sinh.
Cùng với đó, hầu hết các bãi chôn lấp rác tại Bến Tre đều quá tải, gây ô nhiễm; không còn quỹ đất để tiếp tục quy hoạch chôn lấp rác với lượng rác phát sinh ngày một tăng; chưa áp dụng được công nghệ xử lý rác đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; kêu gọi đầu tư xã hội hóa xử lý rác thải chưa hiệu quả...
Theo ông Võ Văn Ngoan, từ thực tế tình hình trên, tỉnh Bến Tre xác định, nếu không có biện pháp hiệu quả và tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt thì vấn đề ô nhiễm rác thải sẽ tầm trọng hơn, trong tương lai tỉnh sẽ không hoàn thành được mục tiêu phát triển bền vững.
Bởi thế, để giải quyết các vấn đề môi trường về chất thải rắn sinh hoạt, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Đề án “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Bến Tre” làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế, chính sách, đề xuất các giải pháp thực hiện và triển khai các nhiệm vụ, dự án ưu tiên để tăng cường công tác quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định pháp luật.
Bến Tre từng bước xây dựng hình ảnh “Bến Tre xanh - sạch - đẹp”, là nơi có môi trường đáng sống. |
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 95,5% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; trên 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến năm 2030, trên 98,5% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; trên 90% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.
Về giải pháp thực hiện, ông Võ Văn Ngoan cho biết: Ở giai đoạn năm 2020 - 2021 sẽ thực hiện ngay việc xử lý ô nhiễm môi trường, đóng cửa bãi rác xã Tân Thanh (huyện Giồng Trôm); nâng cấp, cải tạo và xử lý ô nhiễm bãi rác thị trấn Chợ Lách vào năm 2020 - 2021; cải tạo và xử lý ô nhiễm bãi rác các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam.
Bên cạnh đó, các huyện, thành phố trong tỉnh tiến hành rà soát các bãi rác tạm cấp xã, điểm chứa rác gây ô nhiễm môi trường để tập trung xử lý ô nhiễm và không tiếp nhận rác thải để xóa điểm ô nhiễm. Đồng thời, mỗi huyện, thành phố thiết lập mạng lưới vận chuyển, trung chuyển rác; tập trung đầu tư xây dựng trạm trung chuyển rác phù hợp với điều kiện thực tế, đạt theo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Cũng theo ông Võ Văn Ngoan, chiến lược đến giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh Bến Tre sẽ xây dựng khu liên hợp xử lý rác hợp vệ sinh cho toàn tỉnh. Từ nay đến năm 2030, tỉnh không đầu tư bãi rác mới, chỉ cải tạo, nâng cấp, đầu tư mở rộng tại các bãi rác hiện hữu cấp huyện và hoàn chỉnh Nhà máy Chế biến rác Bến Tre để xử lý rác đến khi có khu liên hợp xử lý rác chung của cả tỉnh.
Trước mắt, ngành môi trường tỉnh sẽ phối hợp với Tỉnh đoàn tham mưu UBND tỉnh Bến Tre xây dựng và triển khai Đề án “Bến Tre xanh”. Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ truyền thông và nâng cao nhận thức người dân về BVMT; áp dụng mô hình phân loại xử lý rác tại các trường học, các đơn vị, hộ gia đình; từng bước xây dựng hình ảnh “Bến Tre xanh - sạch - đẹp”, là nơi có môi trường đáng sống nhất.
Hiện nay, với lượng rác sinh hoạt đô thị tại tỉnh Bến Tre được thu gom, xử lý khoảng 234 tấn/ngày, đạt tỉ lệ khoảng 75%. Hiện tượng thải rác bừa bãi gây mất mỹ quan, làm ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra. Qua đó, để giải quyết các vấn đề về môi trường, tỉnh Bến Tre xây dựng Đề án “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Bến Tre” gồm 18 nhiệm vụ với tổng kinh phí dự kiến gần 445 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. |