Các nhà sinh thái học đang bật "báo động đỏ" vì nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu đã khiến Bắc Cực trở nên "xanh" hơn.
Bắc Cực là một vùng đất rộng lớn và cằn cỗi. Tuy nhiên, do thời tiết ấm hơn đã tạo điều kiện cho thực vật nơi đây phát triển mạnh.
Theo một nghiên cứu mới đây, thực vật đã được tìm thấy ở những khu vực từng bị đóng băng vĩnh viễn.
Một nhóm gồm 40 nhà khoa học từ 36 tổ chức đứng đằng sau dự án khổng lồ này đã đặt tên hiện tượng này là "Bắc Cực xanh".
Hiện tượng đáng lo ngại mang tên "Bắc Cực xanh'"- đang được các nhà nghiên cứu sử dụng máy bay không người lái và vệ tinh để nghiên cứu sự thay đổi của băng vĩnh cửu Bắc Cực. (Ảnh minh họa) |
Khi nhiệt độ mùa hè ở Bắc Cực ấm lên, tuyết sẽ tan sớm hơn và thực vật sẽ ra lá sớm hơn vào mùa xuân.
Thảm thực vật vùng lãnh nguyên đang lan rộng sang các khu vực mới và ở những khu vực mà thực vật luôn tồn tại, hiện chúng đang phát triển mạnh mẽ.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Isla Myers-Smith, thuộc Trường Khoa học Địa lý của Đại học Edinburgh, cho biết: "Các công nghệ mới bao gồm cảm biến trên máy bay không người lái, máy bay và vệ tinh, đang cho phép các nhà khoa học theo dõi các mô hình phủ xanh đang nổi lên trong các hình ảnh vệ tinh có kích thước bằng sân bóng đá".
Những thay đổi trong thảm thực vật làm thay đổi cách carbon được hấp thụ và thải vào khí quyển.
Nhữngthay đổi nhỏ này có thể tác động đáng kể đến những nỗ lực để giữ ấm dưới 1,5 độ C - mục tiêu chính của Thỏa thuận Paris.
Các nhà nghiên cứu ở châu Âu và Bắc Mỹ cũng cho rằng việc xuất hiện nhiều cây xanh ở Bắc Cực có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự nóng lên của mặt đất là rất quan trọng, nhưng những thay đổi về thời gian tuyết tan và độ ẩm của cảnh quan cũng là nguyên nhân chính.
Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Nature Climate Change.
Đồng tác giả Tiến sĩ Jeffrey Kerby, người từng là thành viên Neukom tại Đại học Dartmouth khi thực hiện nghiên cứu, cho biết: "Bên cạnh việc thu thập hình ảnh mới, những tiến bộ trong cách chúng tôi xử lý và phân tích những dữ liệu này - thậm chí cả hình ảnh đã có từ nhiều thập kỷ - đang cách mạng hóa cách chúng ta hiểu quá khứ, hiện tại và tương lai của Bắc Cực".
Alex Moen, Phó Chủ tịch Chương trình thám hiểm tại Hiệp hội Địa lý Quốc gia, nói thêm: "Chúng tôi mong muốn nghiên cứu này sẽ cho chúng ta sự hiểu biết về Bắc Cực".