Bitexco: Từ khối tài sản hàng nghìn tỉ đồng của đại gia bất động sản tới gánh nặng lãi vay

Bitexco là chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản nổi tiếng như: tòa tháp tài chính Bitexco, khách sạn JW Marriott Hà Nội, khu phức hợp The Manor Hà Nội hay The Manor Central Park... nhưng không ít trong số đó dính tai tiếng lùm xùm.
Giữa đường “đứt gánh”, Bitexco đòi chi phí lập dự án bị thu hồiGiật mình siêu dự án Bitexco 'quên' báo cáo ĐTM

Gánh nặng lãi vay tài chính đè lên lợi nhuận kinh doanh của ông lớn

Công ty TNHH Tập Đoàn Bitexco tiền thân là một công ty dệt tại Thái Bình được thành lập từ năm 1985. Sau hơn 35 năm hoạt động, Tập đoàn Bitexco của doanh nhân Vũ Quang Hội đã trở thành một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành như bất động sản, năng lượng, đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông...

Bitexco được biết đến nhiều hơn trong vai trò chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản nổi tiếng như: tòa tháp tài chính Bitexco (quận 1, TP.HCM), khách sạn JW Marriott Hà Nội, khu phức hợp The Manor Hà Nội hay The Manor Central Park (Hà Nội)...

Bitexco_The Manor

Đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của Tập đoàn này lên đến 43.436 tỉ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước chủ yếu do các khoản phải thu ngắn và dài hạn “phình to” so với đầu năm. Phần lớn tài sản của Bitexco được tài trợ từ nguồn vốn nợ trong khi vốn chủ sở hữu chỉ nhích nhẹ lên 6.481 tỉ đồng.

Tổng nợ phải trả tính đến cuối năm 2019 của Tập đoàn này đã tăng hơn 20.000 tỉ đồng so với đầu năm lên mức gần 36.955 tỉ đồng, chiếm tới 85% tổng tài sản. Sự gia tăng chủ yếu đến từ khoản phải trả dài hạn khác trong khi nợ vay tài chính giảm nhẹ xuống 4.160 tỉ đồng và có xu hướng chuyển dịch từ nợ dài hạn sang ngắn hạn.

Bitexco_chart1

Thực tế, khoản nợ vay tài chính của Bitexco không quá lớn thậm chí có thể coi là nhỏ nếu so với quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp này. Dù vậy, chi phí tài chính chủ yếu là lãi vay lại trở thành gánh nặng chính đè lên lợi nhuận của doanh nghiệp này.

Năm 2019, chi phí tài chính đã được tiết giảm so với năm trước tuy nhiên vẫn chiếm tới hơn 40% trên doanh thu gần 1.100 tỉ đồng của Bitexco. Sau khi trừ giá vốn và chi phí hoạt động, Tập đoàn này thu về gần 216 tỉ đồng lãi ròng, khả quan hơn số lỗ gần 344 tỉ đồng trong năm 2018 trước đó.

Dù kinh doanh được cải thiện tuy nhiên dòng tiền của Bitexco bắt đầu có dấu hiệu gặp vấn đề với khoản phải thu tăng đột biến. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đã giảm mạnh từ hơn 6.000 tỉ đồng xuống còn vỏn vẹn 321 tỉ đồng kéo theo lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 123 tỉ đồng.

Thêm vào đó, mức lợi nhuận khiêm tốn 216 tỉ đồng dường như chưa tương xứng với quy mô tài sản lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng của Tập đoàn này. Số liệu cho thấy các chi tiêu sinh lời như hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA), tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Bitexco chỉ lần lượt ở mức 0,5% và 3,3%.

Chùm bê bối xoay quanh các dự án bất động sản

Ý kiến từ một số chuyên gia cho thấy, kết quả kinh doanh chưa có nhiều đột phá của Bitexco có một phần nguyên nhân đến từ các dự án bất động sản trọng điểm được Tập đoàn này triển khai chưa thực sự hiệu quả, thậm chí vướng không ít lùm xùm.

Tiêu biểu có thể kể đến dự án khu đô thị The Manor Central Park tọa lạc tại khu đất vàng có vị trí đắc địa ở phía Tây Nam TP.Hà Nội, trên mặt tiền đường vành đai 3, thuộc địa phận phường Đại Kim của quận Hoàng Mai và xã Thanh Liệt của huyện Thanh Trì. Vị trí dự án nằm trong kết nối giao thông, khi kết nối thẳng tới khu vực Bắc Thăng Long – Nội Bài, thuận tiện tới khu vực phía Nam – Quốc lộ 1 và dễ dàng di chuyển tới Hà Đông.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công xây dựng dự án đã bộc lộ nhiều sai phạm trong thực hiện Luật bảo vệ môi trường, tài nguyên nước như chất thải nguy hại không được thu gom và lưu trữ theo đúng quy định, xả thải trái phép,… gây xôn xao dư luận.

Bên cạnh đó, dự án BT đường Nguyễn Xiển - Xa La để đối ứng lấy khu đất vàng nói trên cũng bị Bitexco thi công ì ạch, đội vốn khiến khiến Hà Nội phải nhiều lần nới tiền độ.

Dự án được phê duyệt từ năm 2011 và được “ưu ái” về nhiều mặt nhưng đến tháng 5/2014 mới khởi công xây dựng. Hợp đồng dự án kết thúc vào tháng 4/2017 (sau 36 tháng), tuy nhiên đến nay, sau hơn 9 năm, dự án đã đội vốn lên mức hơn 1.921 tỉ đồng và vẫn chưa hoàn thành công tác thi công.

Sau vài lần gia hạn, Hà Nội lại tiếp tục “nhún nhường” cho Bitexco thêm thời gian lên tới 67 tháng tính từ năm 2014 để làm cho kỳ được mấy km đường “dát vàng” này. Đến đầu năm 2020, dự án mới cơ bản hoàn thành và cho thông xe tuyến số 1 cùng nút giao với đường vành đai 3, tuyến nhánh giao đường 70, tuyến số 5 giao với tuyến đường phía đông huyện Thanh Trì.

Tuy nhiên, hạng mục cầu trực thông giao với đường Phúc La - Văn Phú và nút giao đường 70 vẫn chưa được hoàn thành. Sau nhiều năm “hứa hẹn”, Bitexco nhiều lần đưa chính quyền và nhân dân Thủ đô đi từ kỳ vọng đến nỗi thất vọng.

Ánh Dương

Xem thêm

Liên kết