Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng đề án trồng 1 tỉ cây xanh

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”.
Bộ NN&PTNT: Đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu tăng cao vào dịp TếtTrồng cây xanh - Bài học lớn của sự tri ânThêm một cây xanh - Thêm một sự sống

Thực hiện Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020 của Chính phủ và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”.

Mục tiêu của đề án là đến hết năm 2025, cả nước trồng được ít nhất một tỉ cây xanh; trong đó, có 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo đó phạm vi thực hiện, đối với trồng cây xanh trên đất quy hoạch lâm nghiệp (trồng rừng) gồm: Đất quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ; trong đó, đặc biệt ưu tiên trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng rừng phòng hộ vùng ven biển; đất chưa có rừng, chưa đủ tiêu chí thành rừng trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng là vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan; đất quy hoạch trồng mới rừng sản xuất.

tm-img-alt
Đặt mục tiêu năm 2021, cả nước sẽ trồng khoảng 182 triệu cây xanh. (Ảnh minh họa: Internet)

Đối với trồng cây xanh trên đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp (cây phân tán) gồm: Khu vực đô thị, khu dân cư tập trung: trồng trên đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, các công trình tín ngưỡng, nhà ở và các công trình công cộng khác...; khu vực nông thôn: đất vườn, hành lang giao thông, ven sông, kênh mương, bờ vùng, bờ đồng, nương rẫy; khu văn hóa lịch sử, tôn giáo, khu cụm công nghiệp, khu chế xuất; kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp và các mảnh đất nhỏ phân tán khác…

Cụ thể, năm 2021, cả nước sẽ trồng khoảng 182 triệu cây xanh; trong đó, cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020 (năm 2020 trồng được khoảng 80 triệu cây phân tán). Từ năm 2022 - 2025 mỗi năm trồng 204,5 triệu cây xanh; trong đó, cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020.

Theo tờ trình, Bộ NN&PTNT xây dựng và thực hiện “Dự án hỗ trợ trồng 1 tỉ cây xanh quốc gia” để tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, tổ chức “Tết trồng cây” cấp quốc gia.

Với mỗi tỉnh, thành phố tự xây dựng các chương trình, dự án trồng cây xanh để triển khai các nội dung về tuyên truyền, tổ chức phát động phong trào “Tết trồng cây”, hỗ trợ cây giống, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch gắn với chỉ tiêu trồng cây hằng năm cho các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, khu dân cư,...

Kính phí thực hiện Đề án xác định chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa và lồng ghép thông qua các chương trình, dự án đầu tư công quốc gia giai đoạn 2021- 2025; kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các Dự án ODA đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng cây xanh; ngoài ra có sử dụng một phần ngân sách nhà nước cho hỗ trợ cây giống, công tác triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát, đánh giá,...

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2016 - 2020, cả nước đã, sản xuất được khoảng 650 triệu cây giống lâm nghiệp mỗi năm phục vụ trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán; trồng mới 68.240 ha rừng phòng hộ (bình quân 13.650ha/năm); trồng mới 281.250 ha rừng sản xuất (bình quân 56.250ha/năm). Tuy nhiên, do quỹ đất trồng rừng mới ngày càng thu hẹp và ở điều kiện khó khăn hơn nên diện tích trồng rừng phòng hộ và trồng mới rừng sản xuất  có xu hướng giảm dần khoảng 15-20% mỗi năm (trồng rừng phòng hộ từ 18.500 ha năm 2016, đến 2020 còn khoảng 10.100 ha; trồng mới rừng sản xuất từ 79.000 ha năm 2016 và 2017, năm 2019 trồng 39.000 ha, đến 2020 còn 32.250 ha).

Số liệu thống kê từ năm 2016 đến nay cho biết, bình quân mỗi năm cả nước trồng được khoảng 66 triệu cây lâm nghiệp phân tán các loại. Vì vậy, định hướng trồng 1 tỉ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025, với trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, căn cứ Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và đăng ký kế hoạch trồng rừng của các địa phương, trong những năm tới, dự kiến mỗi năm trồng mới 6.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Như vậy, từ 2021-2025 cả nước sẽ trồng được 30.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng (tương đương khoảng 70 triệu cây).

Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của Trái Đất và nước biển dâng là một trong những thách thức môi trường lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, để lại hậu quả rất nặng nề, như đợt thiên tai lịch sử cuối năm 2020 tại các tỉnh miền Trung.

Đại dịch COVID-19 đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới đời sống con người trên toàn thế giới và nhiều ý kiến đã cho rằng, đây cũng là hệ quả của việc con người tác động tiêu cực nghiêm trọng tới tự nhiên, tới hệ sinh thái trên Trái Đất trong nhiều năm qua.

Báo cáo Triển vọng Môi trường toàn cầu (GEO) mới đây do 250 nhà khoa học từ 70 quốc gia trên thế giới thực hiện trong 6 năm đã chỉ ra rằng, nếu loài người không hành động kịp thời, thì việc chạy theo những lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất trước mắt một cách bất chấp tất cả, môi trường, thiên nhiên tiếp tục bị hủy hoại, bị tàn phá có thể đưa nhân loại tới chỗ diệt vong.

Cho ý kiến về vấn đề này, GS.TS Vương Văn Quỳnh, nguyên Viện trưởng Sinh thái rừng và Môi trường (Đại học Lâm nghiệp) nói rằng, trước đây Việt Nam còn hàng triệu ha đất lâm nghiệp nhưng chưa có rừng. Vài năm gần đây, việc trồng rừng tốt hơn, nhưng theo tôi vẫn còn khoảng từ 600.000 - 700.000 ha đất chưa có rừng có thể trồng được. Như vậy quỹ đất vẫn còn nhiều để thực hiện mục tiêu một tỉ cây xanh.

Theo ông Quỳnh, thực tế mỗi năm Việt Nam vẫn đặt mục tiêu trồng khoảng 200.000 ha rừng nên có thể khẳng định chúng ta đủ năng lực để thực hiện đề xuất của Thủ tướng. Ngoài diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng, chúng ta còn có thể trồng được cây gỗ ở các đường đi, xung quanh khu dân cư, nhà máy, ngay cả đồng ruộng cũng có thể trồng những dải rừng chắn gió. Tính bình quân mỗi người trồng khoảng 10-20 cây xanh thì đây không phải con số quá lớn.

"Trước mắt chúng ta cần xác định các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao để ưu tiên trồng rừng. Chính phủ nên lên kế hoạch trồng rừng theo cấu trúc rừng tự nhiên, nhiều loài, nhiều tầng lớp và không phát quang thảm thực vật"- ông Quỳnh nói.

Nhật Hạ
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết