Kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 nhằm chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Ảnh minh họa |
Kế hoạch nhằm chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo kế hoạch, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cần phải bảo đảm thường xuyên, liên tục, theo sát diễn biến của thiên tai, tăng cường việc cảnh báo sớm; cung cấp kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn; Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2020.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc và công nghệ dự báo khí tượng thủy văn một cách đồng bộ, hiệu quả. Chủ động, tích cực, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các đơn vị thuộc Bộ; kịp thời khắc phục hậu quả, sự cố do thiên tai gây ra.
Cùng với đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn và các biện pháp phòng, chống thiên tai đến cộng đồng dân cư để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống.
Kế hoạch của Bộ TN&MT nêu rõ nhiệm vụ của công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 là triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật khí tượng thủy văn, Luật phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn Luật; tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn và các quy hoạch, đề án, dự án nhằm hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn và công nghệ dự báo.
Triển khai thực hiện các kế hoạch của Bộ TN&MT liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai: Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP; Kế hoạch thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn; Kế hoạch hành động của Bộ TN&MT thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.
Đặc biệt, theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo sớm, sát diễn biến các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đặc biệt là hiện tượng áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ, lũ quét sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn và các hiện tượng tai biến địa chất, sự cố ô nhiễm môi trường do thiên tai gây ra; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, phòng chống.
Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo sớm; tiếp tục nghiên cứu cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo khí tượng thủy văn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng. Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai (sửa đổi).
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo nhằm đưa thông tin tới tận người dân, nâng cao năng lực cộng đồng để nắm bắt tình hình, diễn biến thiên tai và chủ động ứng phó trong các tình huống, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chú trọng lồng ghép các hoạt động hợp tác quốc tế trong triển khai các nhiệm vụ của ngành tài nguyên môi trường nhằm tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai cũng như huy động tốt nguồn lực quốc tế cho công tác ứng phó trong các tình huống, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.
Kế hoạch 01 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ TN&MT cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị: Tổng cục KTTV, Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Quản lý đất đai, Cục Quản lý tài nguyên nướcCục Viễn thám quốc gia, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam.