Bộ Xây dựng: Quản lý chặt người nước ngoài mua nhà tại các địa phương

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương trong việc quản lý người nước ngoài mua nhà ở tại các địa phương như kiến nghị của cử tri Thành phố Cần Thơ.
Bộ Xây dựng: Siết chặt phân lô bán nền, chuyển đổi đất sai phạmBộ Xây dựng sẽ công bố thông tin hàng quý về thị trường bất động sảnNhiều ngân hàng dừng nhận tiền gửi của người nước ngoài

Mới đây, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Cần Thơ gửi tới kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 199/BDN ngày 12/6/2019 với nội dung kiến nghị: "Đề nghị Bộ phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình trạng người nước ngoài mua nhà ở trên địa bàn, tránh gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các địa phương và cả nước nói chung”.

Trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, Bộ Xây dựng cho biết, pháp luật về quản lý người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam hiện đã được xây dựng tương đối đồng bộ và đầy đủ. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương trong việc quản lý người nước ngoài mua nhà ở tại các địa phương.

Phạt tới 300 triệu đồng đối với hành vi bán nhà sai luật cho người nước ngoài

Bộ Xây dựng dẫn chứng các quy định trong mua bán nhà ở cho người nước ngoài, theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định số 99/2015/NĐ-CP) thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở (nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư) tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại không thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định; thời hạn sở hữu nhà ở là 50 năm; hạn chế về tỷ lệ nhà ở được phép bán cho người nước ngoài tại các khu chung cư, khu đô thị mới; quy định phải thanh toán tiền mua nhà qua tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam...

bo xay dung quan ly chat nguoi nuoc ngoai mua nha tai cac dia phuong
Phạt tới 300 triệu đồng đối với hành vi bán nhà sai luật cho người nước ngoài. Ảnh minh họa.

Theo quy định tại Điều 75 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm căn cứ chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở.

Ngày 19/10/2016, Bộ Quốc phòng có văn bản số 10328/BQP-TM, ngày 19/4/2017, Bộ Công an có văn bản số 786/BCA-TCAN hướng dẫn thực hiện quy định nêu trên của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.

Tại Điều 76 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP đã quy định số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu. Căn cứ vào thông báo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Xây dựng có trách nhiệm công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở các nội dung như: danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn nằm trong khu vực mà tổ chức, cá nhân nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở; số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại mỗi dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu; số lượng căn hộ chung cư tại mỗi tòa nhà chung cư, số lượng nhà ở riêng lẻ của mỗi dự án mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu; số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua, thuê mua, đã được cấp Giấy chứng nhận tại mỗi dự án đầu tư xây dựng nhà ở; số lượng căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu...

Theo quy định tại Điều 79 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Sở Xây dựng có trách nhiệm lập một mục riêng trên Cổng thông tin điện tử của Sở để đăng tải và quản lý các thông tin quy định tại Khoản 1 Điều 76 của Nghị định này. Trong Điều 79 này cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của Sở Xây dựng, chủ đầu tư dự án xây dựng, bên tặng cho nhà ở và cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với việc sở hữu nhà ở của các tổ chức, các nhân nước ngoài trên địa bàn. Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1587/BXD-QLN ngày 8/7/2019 gửi Sở Xây dựng các địa phương để đôn đốc thực hiện các nội dung quy định nêu trên.

Tại Khoản 5 Điều 63 của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ đã quy định phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi vi phạm quy định về bán nhà ở cho cá nhân, tổ chức nước ngoài như: Bán nhà ở vượt quá số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép sở hữu theo quy định; Bán nhà ở mà theo quy định thuộc khu vực không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu; Không gửi thông tin để đăng trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng về nhà ở đã bán cho cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Trước đó, vào khoảng tháng 3/2019, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các tỉnh, thành trực thuộc trung ương yêu cầu báo cáo tình hình sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài và Việt kiều. Các nội dung báo cáo sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn, trước và sau thời điểm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực. Nội dung báo cáo thể hiện tổng số tổ chức, cá nhân đã mua và sở hữu nhà, địa điểm mua.

Điều kiện để người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam

Cá nhân nước ngoài phải đáp ứng những điều kiện sau thì sẽ được phép mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

- Cá nhân nước ngoài phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự. (Khoản 3 Điều 160 Luật Nhà ở 2014).

- Cá nhân nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam (Khoản 1 Điều 74 Nghị định 99/2015/NĐ-CP).

- Cá nhân nước ngoài phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định pháp luật Việt Nam, không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch (điểm b Khoản 2 Điều 119 Luật Nhà ở 2014).

- Cá nhân nước ngoài chỉ được mua và sở hữu nhà ở không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm biệt thự, nhà ở liền kề thì trên khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua không quá 250 căn nhà (điểm a Khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở 2014).

bo xay dung quan ly chat nguoi nuoc ngoai mua nha tai cac dia phuong
Cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán nhưng tối đa không quá 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn nếu có nhu cầu. Ảnh minh họa.

- Trường hợp trên một địa bàn có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trong đó có nhà ở riêng lẻ để bán thì cá nhân nước ngoài được sở hữu số lượng nhà ở riêng lẻ theo quy định sau đây (Điều 76 Nghị định 99/2015/NĐ-CP).

Trường hợp chỉ có một dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ dưới 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% tổng số lượng nhà ở trong dự án đó;

Trường hợp chỉ có một dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ tương đương 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 250 căn;

Trường hợp có từ hai dự án trở lên mà tổng số nhà ở riêng lẻ trong các dự án này ít hơn hoặc bằng 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% số lượng nhà ở của mỗi dự án.

- Cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán nhưng tối đa không quá 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn nếu có nhu cầu. Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và các quyền của chủ sở hữu như công dân Việt Nam. (điểm c Khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở).

Xuân Đoàn
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết