Yêu cầu công khai điều chỉnh quy hoạch
Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các tỉnh phải công khai thông tin đăng tải trong các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị bao gồm: Quyết định phê duyệt; Bản đồ hiện trạng; Sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan; Bản đồ quy hoạch sử dụng đất; Bản đồ giao thông; Bản đồ tổng hợp đường dây, đường ống kỹ thuật; Thuyết minh tóm tắt…".
Cổng thông tin Bộ Xây dựng về quy hoạch sẽ giúp quá trình quản lý quy hoạch của các địa phương minh bạch, công khai hơn (Ảnh chụp màn hình hệ thống đang thử nghiệm). |
Công văn được ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ xây dựng Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch xây dựng, trước đó, Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt như việc lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ; chất lượng một số quy hoạch chưa cao, thiếu tính khả thi.
Đặc biệt, công tác điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại các đô thị lớn, tập trung đông dân cư còn tùy tiện, có xu hướng gia tăng dân số, tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, gây quá tải hạ tầng đô thị...
Có thể thấy, mặc dù việc công bố thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quy định trong Luật Đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng và nhiều văn bản pháp lý khác nhau, nhưng trên thực tế, việc thực hiện còn nhiều hạn chế.
Dân phản đối việc điều chỉnh phá vỡ quy hoạch ban đầu
Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội, việc nhiều nhà đầu tư, nhiều khu đô thị xin điều chỉnh quy hoạch trở thành điểm "nóng" về an ninh trật tự khi người dân không đồng tình, xuống đường căng băng rôn phản đối vì cho rằng việc điều chỉnh sẽ phá vỡ quy hoạch ban đầu, gây quá tải lên hạ tầng đô thị, thay đổi quy hoạch nhằm phục vụ lợi ích nhóm của nhà đầu tư, không vì lợi ích của cư dân.
Đơn cử như tại Khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra; Khu đô thị Đoàn ngoại giao, Khu đô thị mới Trung Hòa-Nhân Chính, Khu đô thị Mỗ Lao, Khu đô thị Linh Đàm…
Cư dân Đoàn ngoại giao căng băng rôn phản đối chủ đầu tư tự ý thay đổi quy hoạch. |
Tại khu đô thị Ngoại giao đoàn có vị trí tại phường Xuân Tảo (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội phê duyệt, giao cho Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp) làm chủ đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng và cảnh quan khu đô thị Ngoại giao đoàn từ năm 2006.
Dự án ngoại giao đoàn từng là khu đô thị kiểu mẫu đáng sống nhất ở Hà Nội với mật độ xây dựng thấp, 30-33%, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng… Đây cũng chính là lý do mà hàng nghìn cư dân bỏ tiền mua căn hộ tại khu đô thị này.
Thế nhưng, ngày 22/5/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2905/QĐ-QHKT về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu Đoàn Ngoại giao tại Hà Nội khiến các cư dân bất ngờ và bức xúc và lo lắng.
Chủ đầu tư dự án Ciputra đã nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch nhiều ô đất mà không lấy ý kiến người dân |
Hay như tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra, Hà Nội), cư dân phản đối việc chủ đầu tư xin ý kiến điều chỉnh quy hoạch khu đô thị giai đoạn 2 mới đây vì cho rằng việc điều chỉnh là chạy theo lợi ích của nhà đầu tư. Điều đáng nói, từ việc xin ý kiến điều chỉnh quy hoạch lần này, cư dân lại phát lộ ra việc chủ đầu tư đã nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch nhiều ô đất mà không lấy ý kiến người dân.
Cư dân cho biết, trong năm 2016, 2 ô đất đã được điều chỉnh gồm: ô đất I.A.20 được điều chỉnh tăng 1.810 người; ô đất I.A.25 tăng 629 người. Lần điều chỉnh quy hoạch trong năm 2017 ô đất I.A.23 được điều chỉnh tăng 4.674 người so với quy hoạch trước đó. Nhiều người dân phản ánh rằng những lần điều chỉnh quy hoạch nêu trên họ không được biết và hoàn toàn không được xin ý kiến.
Trước đó, hồi cuối năm 2017, nhiều hộ dân thuộc chung cư CT2A1 Tây Nam Linh Đàm, (Hoàng Mai, Hà Nội) treo băng rôn, khẩu hiệu nhằm đòi lại quyền lợi theo thỏa thuận mua bán căn hộ với chủ đầu tư HUD.VN. Được biết, ngày 29/12/2014, Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép số 60/GPXD-SXD cho Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị (HUD) thuộc Bộ Xây Dựng thi công xây dựng công trình “Nhà A1 lô đất CT2, thuộc Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội” có quy mô 21 tầng nổi và 1 tầng hầm.
Các hộ dân chung cư CT2 - A1 căng băng rôn đòi quyền lợi theo thỏa thuận mua bán căn hộ với chủ đầu tư HUD.VN. |
Tại phần ghi chú các bản vẽ có kí hiệu KT-A-04 và KT-A-05 được xác nhận kèm theo giấy phép xây dựng số 60/GPXD-SXD, có nội dung: tầng hầm chỉ bố trí để xe máy, ôtô được bố trí tại tầng 1. Theo phản ánh của cư dân, chủ đầu tư HUD.VN đã và đang tiến hành xây dựng, sửa chữa, tự ý thay đổi thiết kế tại tầng 1 của tòa nhà CT2A1 là không đúng với quy hoạch và thiết kế của tòa nhà khiến dân cư bức xúc.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hệ quả từ việc thiếu các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã dẫn tới rủi ro cho các giao dịch chuyển nhượng đất đai, đồng thời tiềm ẩn những nguy cơ về tham nhũng. Đơn cử, người dân muốn mua quyền sử dụng một mảnh đất nhưng đa phần người mua lại khó kiểm chứng, kiểm tra về tình trạng pháp lý của mảnh đất đó hiện có tranh chấp, có nằm trong quy hoạch dự án bị giải toả, hay bị thế chấp ngân hàng hay không.
Đánh giá về việc công bố minh bạch thông tin quy hoạch, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được minh bạch thông tin, công khai rộng rãi sẽ góp phần giảm khiếu kiện về đất đai. Trên thực tế, đã có nhiều bài học về sự buông lỏng quản lý, thiếu định hướng trong quy hoạch, không công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời dẫn đến nhiều hệ lụy, những vụ khiếu kiện đông người, kéo dài.