Các nhà nghiên cứu đã tính toán, lượng khí thải toàn cầu sẽ tiếp tục tăng và mục tiêu về 0 ròng vào năm 2050 sẽ vượt khỏi tầm tay chúng ta trong vòng vài năm tới.
Trong báo cáo hàng năm về tài chính khí hậu ngày 17/9 vừa qua của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho thấy, trong năm 2019, các quốc gia phát triển chỉ cung cấp hoặc huy động được 80 tỉ USD tài trợ cho các quốc gia đang phát triển để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các nguồn tài trợ lớn nhất đến từ các ngân hàng phát triển đa phương (30 tỉ USD), hỗ trợ song phương của Chính phủ (29 tỉ USD) và khu vực tư nhân (14 tỉ USD)…
Năm 2009, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Copenhagen đã nhất trí các nước phát triển sẽ hỗ trợ 100 tỉ USD mỗi năm vào năm 2020. Tuy nhiên, khả năng cao mục tiêu tương đối khiêm tốn này cũng có thể bị bỏ lỡ khi có báo cáo ước tính vào năm tới.
Báo cáo năm 2019 cho thấy, các nước "giàu" đầu tư ra bên ngoài tới 1.540 tỉ USD, bao gồm 685 tỉ USD cho các nước đang phát triển. So với con số mà họ cam kết sẽ tài trợ để chống biến đổi khí hậu thì số tiền kể trên tương đối nhỏ bé.
Bên cạnh đó, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, số tiền được cam kết để hỗ trợ tài chính nếu so với con số 1.900 tỉ USD cần thiết để đầu tư vào các hệ thống năng lượng trên toàn thế giới trong năm 2019 thì không thấm vào đâu.
Rõ ràng, nguồn tài chính mà các nước phát triển cam kết không đủ để chuyển đổi hệ thống năng lượng của các nước đang phát triển đạt được mức phát thải ròng bằng 0 và cung cấp khả năng tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại cho tất cả mọi người.
Các nước phát triển đã cam kết chỉ cung cấp số tiền tương đương 16 USD/người/năm để giúp các nước đang phát triển giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu - và chỉ cung cấp 12 USD/người vào năm 2019.
Con số này thậm chí không gần bằng hàng trăm tỉ USD cần thiết để thay thế các nhiên liệu đun nấu và sưởi ấm truyền thống như gỗ, than và dầu hỏa, bằng các lựa chọn thay thế sạch hơn vào năm 2030. Đây là một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.
Nó thậm chí còn xa hơn số lượng cần thiết để điện khí hóa giao thông vận tải và các dịch vụ năng lượng khác, đồng thời sản xuất điện khử cacbon bằng cách thay thế đốt than và khí đốt bằng năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện và hạt nhân.
Với rất ít nguồn tài trợ từ các nền kinh tế tiên tiến, các nước đang phát triển sẽ phải gánh phần lớn kinh phí cho việc chống biến đổi khí hậu từ nguồn lực của chính họ. Và điều này sẽ khá chật vật khi hầu hết các nước này vẫn đang phải phân bổ nguồn tiền cho các mục tiêu phát triển khác.
Các nhà hoạch định chính sách hàng đầu từ châu Âu và Bắc Mỹ đã đặt ra các kế hoạch đầy tham vọng để hạn chế phát thải trong và ngoài nước. Tuy nhiên, họ đang cung cấp ít hỗ trợ tài chính hoặc kỹ thuật để giúp thực hiện các kế hoạch này ở các nền kinh tế đang phát triển, nơi dự kiến sẽ là nguồn phát thải chủ yếu trong tương lai.