Trong thực tế, nhiều quan hệ dân sự vay vốn thường là vay nóng, vay tín dụng đen không thế chấp với lãi suất rất cao. Đến khi phát sinh nợ khó đòi, bên cho vay sử dụng dịch vụ đòi nợ để thu hồi khoản vay chứ không đủ điều kiện đưa ra cơ quan tư pháp để giải quyết. Đây là vấn đề rất phức tạp đã và đang diễn ra ở một số địa phương.
Chính vì tính chất phức tạp, nhạy cảm của ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê mà việc cấm hay quản luôn là nội dung gây tranh luận kéo dài ngay từ khi đề án luật được lấy ý kiến rộng rãi của dư luận cho đến lúc đặt lên bàn các đại biểu Quốc hội. Có luồng ý kiến đồng thuận cao với đề xuất của ban soạn thảo Luật Đầu tư (trong đó có một số bộ và địa phương) và cho rằng cần tăng cường các biện pháp của các cơ quan tố tụng, cơ quan tư pháp để giải quyết các hoạt động này. Thế nhưng, cũng có luồng ý kiến cho rằng dịch vụ đòi nợ là nhu cầu của xã hội, không nên cấm và cũng không thể cấm. Thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ để siết lại quản lý.
Cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Đầu tư là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống. Thời gian qua, do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này cho nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm không nên cấm hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.
Hiện nay, ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” được quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Để chuyển từ việc đang cho phép kinh doanh có điều kiện sang cấm kinh doanh, một trong những vấn đề quan trọng là phải tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được trong hoạt động của các công ty thu hồi nợ thời gian qua, trong đó hết sức lưu ý những kiến nghị chi tiết của UBND một số địa phương nơi hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê đã và đang phổ biến. Đồng thời, đánh giá các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề này tại Nghị định của Chính phủ đã phù hợp chưa.
Đây là những nội dung trong dự thảo Luật Đầu tư đề cập khá sơ sài, vì thế chưa đủ cơ sở để thuyết phục chuyển sang cấm kinh doanh với dịch vụ này. Để bảo đảm chất lượng của dự án luật, cơ quan soạn thảo cần lắng nghe và tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ trước khi đề xuất cấm hay quản dịch vụ kinh doanh đòi nợ trong lần chỉnh sửa tiếp theo.