Cần quy hoạch cảng biển hợp lý đi đôi với bảo vệ môi trường

Cảng biển đem lại nguồn lợi lớn cho kinh tế nước ta, nhưng lại ẩn chứa nguy cơ gây ô nhiễm ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển và cuộc sống con người. Ở nhiều cảng biển trên cả nước, vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng.
Huy động nguồn lực ngoài ngân sách phát triển cảng biển trong 10 năm tớiÔ nhiễm cảng biển đang dần huỷ hoại hệ sinh thái ven bờXanh hóa cảng biển để phát triển bền vững

Việt Nam có đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km, hệ thống giao thông hàng hải, nội thủy từ rất lâu đã đảm nhận vai trò là những tuyến vận tải huyết mạch của quốc gia. Hàng năm, hệ thống cảng biển thông qua đến 90% lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, đi liền với phát triển là những vấn nạn ô nhiễm luôn rình rập.

Các nguồn gây ô nhiễm biển trong hoạt động hàng hải, thủy sản, du lịch, dầu khí và các hoạt động thương mại khác rất đa dạng và phức tạp: ô nhiễm do dầu, ô nhiễm do hóa chất lỏng chở xô trên tàu, ô nhiễm do các loại hàng nguy hiểm vận chuyển bằng tàu; ô nhiễm do rác thải, ô nhiễm do nước thải, ô nhiễm không khí... Ngoài ra, nguồn ô nhiễm còn do sơn chống hà sử dụng cho thân tàu, ô nhiễm do các vật liệu độc hại dùng để đóng tàu, do sự di chuyển của các loài thủy sinh vật thông qua nước dằn tàu.

Ô nhiễm môi trường từ các hoạt động kinh doanh vận tải cảng biển khiến hệ sinh thái ven bờ bị hủy hoại. (Ảnh minh họa)

Nguồn gây ô nhiễm biển từ các hoạt động nói trên là rất lớn với sự phát triển rất nhanh của các phương tiện vận tải biển trong những năm qua. Các nguồn gây ô nhiễm này thực sự đã trở thành nguy cơ vô cùng to lớn đối với môi trường biển, tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, hủy hoại các nguồn tài nguyên biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và góp phần không nhỏ vào biến đổi khí hậu toàn cầu.

Có thể thấy, khả năng gây ô nhiễm từ hoạt động hàng hải rất lớn, đặc biệt là ô nhiễm do khí thải và nước thải từ các phương tiện vận tải. Nước thải thường phát sinh từ tàu biển và phương tiện hàng hải, nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển, cảng biển, bãi và kho chứa hàng.

Trong đó, nước thải công nghiệp tàu biển thường chứa hàm lượng cao dầu khoáng, hóa chất tẩy rửa và kim loại nặng đe dọa nghiêm trọng chất lượng nước biển khu vực tiếp nhận nước thải, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái ven bờ.

Theo số liệu quan trắc nhiều năm, hàm lượng chất rắn lơ lửng luôn ở mức tương đối cao tại vùng ven biển Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long. Hàm lượng amoni (NH4+) tại hầu hết các khu vực đã ở mức cao vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt là ở khu vực biển ven bờ miền Bắc. Hàm lượng dầu mỡ khoáng trong nước biển vượt ngưỡng cho phép tại hầu hết các khu vực cảng biển và có xu hướng gia tăng.

Hoạt động dầu khí, vận tải biển, với quy mô khoảng 340 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí cùng 272 bến cảng biển đang hoạt động với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm, nhiều năm qua có đóng góp lớn cho nền kinh tế. Ngoài nước thải lẫn dầu với khối lượng lớn, trung bình mỗi năm hoạt động này phát sinh khoảng 5.600 tấn rác thải dầu khí, trên 15.000 tấn dầu mỡ trôi nổi, trong đó 23-30% là chất thải rắn nguy hại chưa xử lý…

Lượng tàu thuyền gia tăng cùng hoạt động nạo vét luồng hàng hải là những nguyên nhân gây ô nhiễm vùng nước cảng biển. (Ảnh minh họa)

Sự phát triển của hệ thống cảng biển và gia tăng về khối lượng hàng hóa trên thế giới đòi hỏi hệ thống cảng biển Việt Nam phát triển rất nhanh để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu lưu chuyển hàng hóa bằng đường biển của Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Việc gia tăng khối lượng hàng hóa qua cảng biển nói chung và hàng nguy hiểm nói riêng sẽ làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ quá trình bốc xếp và lưu giữ hàng nguy hiểm tại các cảng biển Việt Nam.

Với mật độ cảng biển dày đặc, Việt Nam đang đứng trước mối lo lớn do nguy cơ ô nhiễm tăng cao. Do đó, cảng biển cần được quy hoạch một cách hợp lý đi đôi với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

NL