Cảnh báo về tình trạng nước biển dâng ở nhiều nước châu Á

Công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft tiến hành phân tích 500 thành phố có hơn 1 triệu dân trên khắp thế giới và xác định những nơi có nguy cơ chìm trong nước biển dâng từ 67cm đến 2m vào năm 2100.
Cảnh báo hàng triệu người sẽ phải đi tị nạn do biến đổi khí hậuAnh tài trợ hơn 60 tỉ đồng giúp Việt Nam bảo vệ hệ sinh thái đồng bằngTối thiểu 50% diện tích vùng biển, hải đảo được điều tra về tài nguyên
canh bao ve tinh trang nuoc bien dang o nhieu nuoc chau a
Ảnh minh họa. (Nguồn: fijipocketguide.com)

Ngày 27/2, giới chuyên gia đã đưa ra cảnh báo nhiều thành phố lớn của các nước châu Á như thủ đô Tokyo (Nhật Bản), thủ đô Jakarta (Indonesia), Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Thượng Hải (Shanghai, Trung Quốc), là những nơi có nguy cơ cao nhất chịu ảnh hưởng của tình trạng nước biển dâng.

Các chuyên gia đồng thời kêu gọi các nhà chức trách đầu tư nhiều hơn cho công tác phòng-chống lũ lụt cũng như lên kế di dời tài sản và người dân.

Công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft có trụ sở tại Anh đã tiến hành phân tích 500 thành phố có hơn 1 triệu dân trên khắp thế giới và xác định những nơi có nguy cơ chìm trong nước biển dâng cao từ 67cm đến 2m vào năm 2100.

Cảnh báo này phù hợp với các tính toán khoa học nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu tiếp tục tăng lên với tốc độ hiện nay. Theo kết quả phân tích trên, 11 trong số 15 thành phố có nguy cơ cao nhất là ở châu Á.

Theo ông Rory Clisby, chuyên gia phân tích về biến đổi khí hậu thuộc Verisk Maplecroft, tại châu Á, các thành phố có mật độ dân số cao có xu hướng mở rộng vùng đất mà các nơi khác trên thế giới có thể rời đi.

Nhiều thành phố ở châu Á đang mở rộng quỹ đất nhanh chóng chủ yếu là ở vùng ven biển và vùng trũng, khiến những nơi này dễ bị tác động khi mực nước biển dâng cao, cũng như khi xảy ra tình trạng thời tiết cực đoan như lũ lụt hay giông bão.

Cụ thể, kể từ đầu năm đến nay, thủ đô Jakarta của Indonesia đã hứng chịu 2 đợt mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng. Trong khi đó, tháng trước, thủ đô Bangkok của Thái Lan phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt khi nước biển xâm lấn làm tăng độ mặn.

Ông Rory Clisby nhấn mạnh để giảm thiểu nguy cơ lũ lụt, các nước nên kết hợp các phương pháp kỹ thuật "cứng và mềm" như xây dựng đê, đập ngăn thủy triều và tái trồng rừng ngập mặn.

Ông Clisby cũng cho rằng nên chấm dứt các dự án xây dựng tại những khu vực dễ bị lũ lụt và các dự án cải tạo đất chưa được tính toán kỹ lưỡng, đồng thời khuyến cáo một số thành phố nên xem xét di chuyển các tài sản quan trọng đến những nơi an toàn hơn.

Ông Rory Clisby khuyến khích nhân rộng mô hình "thành phố bọt biển" như ở Trung Quốc, trong đó kết hợp hệ thống thoát nước bền vững khi xây dựng cơ sở hạ tầng như nhựa đường thấm nước và không gian xanh để giữ nước.

Báo cáo của Verisk Maplecroft cho biết các địa điểm rủi ro nhất trên thế giới là Quảng Châu và Đông Hoản nằm trong Khu kinh tế châu thổ sông Châu Giang, nơi tạo ra 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc và 3,8% tài sản toàn cầu.

Ông Rory Clisby khẳng định đây là trung tâm sản xuất khổng lồ toàn cầu, đồng thời kêu gọi hai vùng này nên xem xét di dời các tài sản quan trọng và đẩy mạnh đầu tư vào các dự án kỹ thuật quy mô lớn.

Các khu vực ở Trung Quốc có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của tình trạng nước biển dâng hiện có gần 8 triệu người sinh sống và đóng góp 348 tỷ USD cho GDP nước này.

Theo ông Rory Clisby, trong khi Trung Quốc và Nhật Bản có nhiều nguồn lực để đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro do lũ lụt, Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia lại hạn chế hơn trong ứng phó với những thách thức do tình trạng nước biển dâng.

Indonesia có kế hoạch chuyển thủ đô sang đảo Borneo vì thành phố Jakarta hiện nay nằm bên bờ biển phía Bắc đảo Java vốn đang bị chìm dần và thường xuyên xảy ra lũ lụt.

Ngoài các thành phố kể trên, trong số 15 thành phố đang gặp nguy hiểm còn có Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), Alexandria (Ai Cập) và cả thành phố New York của Mỹ.

Trần Quyên
Theo TTXVN/Vietnam+

Xem thêm

Liên kết