Chiều 30 Tết, sau bữa nhậu tất niên cùng bạn, tôi ra đường bắt taxi để về. Có vài chiếc dừng lại, tài xế báo giá 200-300 ngàn đồng cho quãng đường 4km, tôi lắc đầu và quyết định đi bộ, cảm giác bị bắt chẹt luôn khó chịu.
Khi nhiều gia đình đã quây quần bên mâm cơm chiều cuối năm thì vẫn còn những lao động đang miệt mài mưu sinh khắp phố phường Hà Nội. (Ảnh minh họa) |
Có một bạn xe ôm đi men cạnh đường mời đi xe, chiếc xe rất cũ, gương mặt trẻ măng có vẻ tử tế. Cậu ấy không nói giá, chỉ bảo “Nhờ anh chỉ đường cho em vì em không biết đường trên này”, dù địa điểm đến là một con phố không mấy xa lạ với bất kỳ ai sống ở Hà Nội. Sự im lặng của 2 con người đang len lỏi giữa những con phố đông nghẹt xe, cậu đi xe máy rất kém...
Tôi chủ động bắt chuyện, cậu 21 tuổi, người Tuyên Quang, có 1 cô con gái nhỏ ở quê và mới bị thầu xây dựng “bùng” tháng lương phụ hồ cuối năm, hơn 3 triệu. Anh ta quyết định trụ lại Hà Nội để gỡ gạc, bởi không thể về quê tay trắng. Câu chuyện cuộc sống cậu ấy đan xen giữa vùng núi và đô thị rất hồn nhiên, tôi tin cậu nói thật. Khi đến nơi, tôi một lần nữa nhìn thẳng vào mắt cậu xe ôm, nét mặt rất thanh thản. Tôi đưa mấy trăm ngàn, nói ông em cầm về quê sớm với con coi như anh bù phần nào vận hạn, bạn ấy có chút lúng túng cầm tiền tôi đưa bằng hai tay, “em cảm ơn anh, em không biết nói gì cả”.
Nụ cười hạnh phúc của những người lao động ngày cuối năm. (Ảnh minh họa) |
Tôi hay mua lặt vặt đủ thứ ngoài đường, bút của những người bán rong, kẹo hát dạo, chổi người mù… Khi những người lao động ngoại tỉnh lăn lê trên phố, họ lựa chọn một công việc lương thiện vất vả thì hẳn nhiên cũng mong chờ sự cởi mở hoặc chia sẻ của những người có điều kiện hơn vô tình gặp nhau trên phố.
Năm ngoái, Nhà báo Đức Hoàng tờ VnExpress làm đề tài về người bán rong, Hoàng gắn thiết bị đo bước chân cho một chị bán rong, trung bình một ngày cô ấy đi bộ hơn 40.000 bước chân, khoảng 30 km/ngày. Tối về ngủ tập trung trong phòng trọ chật hẹp với hơn 20 người “nhà quê” khác, 5000 đồng/đêm và ra khỏi đó lúc 6 giờ sáng. Thi thoảng tôi thấy bạn bè share các chỉ số đốt vài trăm carlo, mấy nghìn bước chân từ việc tập gym trên Facebook, tôi lại nhớ tới câu chuyện của Đức Hoàng...
Hàng rong từ bao đời nay đã trở thành một nét riêng vốn có của văn hóa thủ đô ngàn năm văn hiến. (Ảnh minh họa) |
Thời bao cấp cho tới những năm 1990, tôi ở phố chợ hay gặp cảnh đám giang hồ thể hiện chất “đầu gấu” bằng việc đi xích lô bùng, 5-7 thằng quần áo “bồ đội” xanh vắt vẻo cả lên thành ghế, anh xích lô mồ hôi nhễ nhại khổ sở nhổm mông đứng lên đạp từng nhịp, ánh mắt vô định. Xe dừng, đám kia vắt áo lên vai lững thững đi thẳng. Anh xích lô chậm rãi xếp manh chiếu trên ghế, rút chai nước để phía sau, ngửa mặt dốc đổ thẳng vào cuống họng tràn cả nước xuống cổ, nơi nổi hằn yết hầu đỏ lựng vì mệt. Bắt nạt những người sống dưới đáy ấy dễ lắm, xa lạ, nghèo nàn, mạt hạng... Không gì hơn.
Có thể, cái cảm giác gặp lại những người thân dọc theo đường làng, bế đứa con trên tay khi trở về ngày cuối năm, họ sẽ biết nhẫn nhịn nhiều hơn trong những chuỗi ngày phía trước, trên vỉa hè Hà Nội.