Chính phủ đề xuất thu phí tất cả cao tốc do Nhà nước đầu tư

Chính phủ đề xuất phương án bổ sung quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện theo số km xe chạy trên đường do Nhà nước đầu tư và do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước.
Quốc hội phê duyệt chuyển 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư côngKế hoạch 'cao tốc hoa dại' giúp bảo vệ loài thụ phấn tại AnhCao tốc Bắc - Nam phía Đông: Đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hộiDự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột sẽ khởi công trong tháng 6/2023

Luật Đường bộ là một trong những dự án sẽ được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 24 tới đây. Dự án do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo, và Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra.

Theo Bộ GTVT, để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc, nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng hơn 800.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng hơn 390.000 tỷ đồng để hoàn thành 2.043 km và khởi công 925 km.

Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, nếu không có cơ chế tạo nguồn tài chính cho đầu tư, phát triển, bảo trì, sẽ không đảm bảo mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đồng bộ, hiện đại, đạt mục tiêu 5.000 km đường cao tốc theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; không đảm bảo việc thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đối với dự án đường cao tốc sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công.

Chính phủ đề xuất thu phí tất cả cao tốc do Nhà nước đầu tư - Ảnh 1
Chính phủ đề xuất phương án bổ sung quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện theo số km xe chạy trên đường do Nhà nước đầu tư và do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước. (Ảnh minh họa)

Chính vì vậy, mục tiêu chính sách được đưa ra là xây dựng khung pháp lý, huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói chung, đường cao tốc nói riêng nhằm xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, kết nối đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế.

Trên cơ sở đó, cơ quan trình dự án đề xuất hai giải pháp để giải quyết vấn đề, trong đó, giải pháp 1 vẫn là giữ nguyên các quy định hiện hành.

Giải pháp 2 được Chính phủ đề xuất bổ sung quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông tính theo số km xe chạy trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư; các nguồn thu liên quan đến sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cho biết dự luật lần này cũng bổ sung quy định về phân cấp, phân quyền đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình đường bộ. Theo đó, UBND các tỉnh tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đối với quốc lộ theo phân cấp của bộ trưởng Bộ GTVT. Song song đó, cho phép các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp quốc lộ đi qua địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thay vì sử dụng ngân sách trung ương như hiện nay.

Theo cơ quan soạn thảo, quy hoạch mạng lưới đường bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc khoảng 2,5 triệu tỷ đồng; nhu cầu đầu tư cho các tuyến quốc lộ khoảng 655.031 tỷ đồng. Mặt khác, hằng năm vốn bảo trì cần khoảng 25.000 tỷ đồng nhưng ngân sách trung ương chỉ cấp khoảng 10.000 tỷ đồng, mới đáp ứng được 40% tổng nhu cầu quản lý, bảo trì quốc lộ.

Trong những năm tới, theo quy hoạch, chiều dài quốc lộ tăng thêm 4.800 km, đồng thời các dự án đường bộ cao tốc được đầu tư bằng ngân sách trung ương hoàn thành, nhu cầu vốn bảo trì và quản lý khai thác sẽ tăng cao.

Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng chính sách trên sẽ tăng cường phân cấp, phân quyền, nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

“Đặc biệt tạo tính chủ động, tạo cơ chế cho các địa phương có nguồn lực có thể sử dụng ngân sách địa phương đầu tư xây dựng, nâng cấp, bảo trì đường gom, nút giao kết nối vào quốc lộ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mình…” - Bộ GTVT cho hay.

Vấn đề cấp thiết, phải triển khai nhanh

Tại buổi họp của ngành giao thông ngày 10/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng giao Vụ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện quy định pháp luật về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách, làm cơ sở để triển khai thu phí theo yêu cầu của Quốc hội. “Đây là vấn đề rất cấp bách, cấp thiết nên phải triển khai nhanh” - ông Thắng nói.

Anh Thư