Trong lĩnh vực năng lượng, người ta đúc rút ra một kết luận là tư duy thay đổi thường xuyên đi trước thực tế khá xa. Thế kỉ 19 dù được nhân loại coi là thời đại của than đá, song phần lớn nhu cầu nhiên liệu vẫn là gỗ, than củi và rơm rạ. Chỉ sang đến thế kỉ 20, than đá mới thực sự lên ngôi.
Sở dĩ như vậy là bởi than đá vẫn là một lựa chọn giá rẻ cho những quốc gia chưa thực sự coi trọng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong chính sách năng lượng của mình, trong khi nhiệm vụ phải đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh của người dân lại có phần bức thiết hơn.
Dù chi phí sản xuất năng lượng điện mặt trời và gió hiện đã giảm xuống ở nhiều khu vực tại châu Á, giúp các loại năng lượng tái tạo này có thể cạnh tranh với than đá mà không cần trợ cấp, thì nhiều nền kinh tế mới nổi vẫn đang đầu tư vào than để bảo đảm nguồn cung cấp điện 24/24 và hỗ trợ phát triển công nghiệp.
Trung Quốc, quốc gia chiếm gần một nửa nhu cầu than của thế giới, là một ví dụ điển hình. Chính phủ Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để kiềm chế phát thải từ than đá, trong khi các công ty sản xuất điện vẫn tìm cách xây mới các nhà máy.
Những chiếc cột ngày đêm nhả khói độc vào không khí tại nhà máy than khổng lồ Suralaya nằm bên bờ biển Indonesia là minh chứng rõ ràng cho chứng “nghiện" nhiên liệu hóa thạch của châu Á, đồng thời cũng là chướng ngại chắn ngang con đường hướng đến các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Chỉ riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chiếm khoảng 3/4 lượng than tiêu thụ toàn cầu. Điều này khiến châu Á tiếp tục phải “chìm đắm” trong than và nhìn những nền kinh tế phát triển lần lượt chuyển đổi sang khí đốt để sản xuất điện. Nếu giá gas không giảm sốc vào một ngày nào đó, thì kịch bản này khó có thể thay đổi.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nhu cầu sử dụng than trên toàn cầu sẽ tăng chậm trong vài năm tới, dù ở Mỹ và châu Âu có giảm. Đến năm 2022, nhu cầu than của Trung Quốc giảm 11 triệu tấn/năm, các nước châu Âu thuộc OECD giảm 30 triệu tấn/năm và Bắc Mỹ giảm 37 triệu tấn/ năm. Tất cả sẽ dễ dàng được “bù đắp” bằng mức tăng 135 triệu tấn/năm của Ấn Độ và 70 triệu tấn/năm của ASEAN.
Trung Quốc cùng các quốc gia tiêu thụ than hàng đầu khác đưa ra đủ lời hứa hẹn, cam kết hướng đến mục tiêu trung hòa carbon để cải thiện tình trạng này. Nhưng trái ngược với tính cấp thiết của vấn đề, quá trình chuyển đổi diễn ra vô cùng chậm chạp.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi những tường thành nhiên liệu hóa thạch bẩn vô cùng khó khăn – chỉ 5 quốc gia châu Á chiếm tới 80% các nhà máy điện than mới được lên kế hoạch trên toàn thế giới, theo báo cáo của Carbon Tracker.
Với tình trạng đó, các phân tích cho rằng các cam kết hiện nay quá yếu. Những lời hứa tạm dừng xây dựng nhà máy và thắt chặt nguồn tài trợ ở nước ngoài từ các quốc gia tài trợ chính lại thường không bao gồm các dự án đã được lên kế hoạch.
Indonesia đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2060 và ngừng xây dựng các nhà máy than mới từ năm 2023. Nhưng bất chấp cam kết, Suralaya vẫn đang được đầu tư 3,5 tỉ USD để nâng cao công suất. Không chỉ vậy, việc mở rộng nhà máy Suralaya còn nhận được 1,9 tỉ USD tài trợ công của Hàn Quốc và được hỗ trợ bởi tập đoàn điện lực nhà nước khổng lồ KEPCO, theo tổ chức phi Chính phủ Solutions for Our Climate (SFOC).
Việc mở rộng nhà máy này vẫn đang tiếp tục bất chấp cam kết của Seoul hồi đầu năm nay rằng sẽ không tài trợ thêm cho bất kỳ nhà máy than nào ở nước ngoài.
Theo đại diện của KEPCO, dự án về Suralaya nằm ngoài cam kết vì đã bắt đầu từ trước đó. Vẫn còn nhiều trường hợp tương tự Suralaya, cho thấy các Chính phủ chưa thực sự hành động mạnh mẽ vì mục tiêu trung hòa carbon.
Một cường quốc châu Á khác là Nhật Bản cũng cam kết thắt chặt quy định đối với việc đầu tư vào các nhà máy điện nước ngoài, nhưng lại không chấm dứt nguồn tài trợ của Chính phủ.
Đối với Ấn Độ, nước tiêu thụ than lớn thứ hai thế giới, mục tiêu trước mắt là kêu gọi nguồn tài trợ quốc tế cho năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động khí hậu trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 vào tháng tới.
Bên cạnh các cường quốc, các quốc gia đang phát triển cũng nói rằng họ chưa thể đẩy mạnh công cuộc hạn chế ô nhiễm carbon với lý do thiếu viện trợ do các quốc gia giàu có không cam kết cung cấp 100 tỉ USD mỗi năm.