Khoảng đầu những năm 1990, khi những chiếc túi nilon bắt đầu phổ biến ở Việt Nam, một thứ đồ đựng “thần kỳ”, mỏng, nhẹ, dai bền, thay thế cho miếng giấy xi măng gói thịt, hay cho những chiếc túi làm bằng báo cũ đựng đỗ, lạc, vừng. Chúng ta hào hứng đón nhận một vật dụng đơn giản mà tiện dụng nhưng không hề lường trước được hậu quả từ túi nilon.
Thảm họa “ô nhiễm trắng”
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Thế giới đã đánh giá tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".
Cùng với đó, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Tỉ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp. Đơn cử như TP.HCM, mỗi năm có khoảng 250.000 tấn chất thải nhựa được tạo ra; trong đó, 48.000 tấn được chôn trong các bãi chôn lấp (đa số là nhựa có giá trị thấp) chiếm 19,2%; còn lại hơn 200.000 tấn chất thải nhựa được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Điều đáng nói là công nghệ tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn của Việt Nam đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, hoạt động tái chế chất thải nhựa chưa được tổ chức với quy mô lớn, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ nên hiệu quả thấp. Trong khi đó thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nilon tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.
Thế giới cũng đang phải đối mặt với khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn từ lục địa đổ vào các đại dương mỗi năm. Còn theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển, với 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Một báo cáo tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ khiến chúng ta không khỏi giật mình khi biết, ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng), đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường đại dương.
Chung tay cùng hành động
Để giải quyết những mối đe dọa toàn cầu từ rác thải nhựa và túi nilon, từ năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018, vấn đề giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đã được Nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia khẳng định là mối quan tâm chung toàn cầu, đưa ra các cam kết mạnh mẽ về chống rác thải nhựa.
Mới đây, các quốc gia thuộc nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới – G7 đã đồng ý với cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa, đồng ý tăng công suất tái chế nhựa lên 50%, cùng với nhiều bước tích cực khác để giảm tác động của nhựa tới môi trường. Anh và Liên minh châu Âu đã công bố kế hoạch cấm ống hút, bông ngoáy tai bằng nhựa và nhựa sử dụng một lần như dao kéo và túi nilon. Ấn Độ cũng đã cam kết cấm sử dụng nhựa một lần vào năm 2022 và Trung Quốc – nhà phát thải ô nhiễm nhựa hàng đầu thế giới đang thực hiện các bước để giải quyết vấn đề này thông qua lệnh cấm nhập khẩu chất thải nhựa… Tất cả những động thái trên đều chứng tỏ các nhà lãnh đạo trên thế giới đã thức tỉnh và hành động tìm cách giảm thiểu độ nguy hại của rác thải nhựa.
Còn tại Việt Nam, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều chỉ đạo quyết liệt về việc thực hiện chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam cũng tích cực tham gia, chung tay cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn hiểm họa của ô nhiễm rác thải nhựa tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada; kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu tổ chức tại thành phố Đà Nẵng (năm 2018); Hội nghị WEF Davos 2019 tại Thụy Sỹ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có hành động hiệu quả, quyết liệt giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương
Tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Đồng thời, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 và bảo đảm xây dựng, thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; phù hợp với cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở Việt Nam; nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy của cộng đồng và xã hội.
Cụ thể, đến năm 2025, đặt mục tiêu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Đồng thời, thực hiện việc quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 5 lưu vực sông chính tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và tại các đảo có tiềm năng phát triển du lịch thuộc 12 huyện đảo.
Đến năm 2030, đặt mục tiêu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Đồng thời, mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và tại 12 huyện đảo.