Chuyển dịch năng lượng: Xu hướng toàn cầu và chiến lược của Việt Nam (Kỳ 1)

Cộng đồng quốc tế đang “chạy đua” trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch và hạt nhân sang năng lượng tái tạo. Theo đó, chuyển dịch năng lượng bền vững, công bằng cũng là định hướng phát triển của Việt Nam.
Sản lượng năng lượng tái tạo tăng nhanh nhất trong 2 thập kỷ quaXây dựng lộ trình sử dụng năng lượng tái tạoThị trường năng lượng tái tạo Việt Nam: Điều gì sẽ đến sau giá FIT?Đằng sau ‘cơn sốt’ năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Lời tòa soạn:

Không nằm ngoài xu hướng phát triển của thế giới, Việt Nam đang tập trung thực hiện chuyển dịch năng lượng sâu rộng. Theo đó, quá trình diễn ra theo hướng chuyển từ phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch sang phát triển và ứng dụng năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Vậy, Việt Nam đang ở đâu trong quá trình này, những cơ hội và thách thức nào đang chờ đợi Việt Nam. Chúng ta cần chuẩn bị những gì trong cuộc chạy đua mà không còn đường lui?

Thực hiện sứ mệnh của cơ quan báo chí chuyên ngành lĩnh vực kinh tế môi trường, để giải đáp những vấn đề nêu trên, Tạp chí Kinh tế Môi trường trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tuyến bài “Nhận diện làn sóng chuyển dịch và đảm bảo an ninh năng lượng tại Việt Nam

Thế giới cắt giảm điện than, phát triển năng lượng tái tạo

Tại Diễn đàn phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam do Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam tổ chức mới đây, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, kinh tế xanh và tăng trưởng xanh tiếp tục là xu hướng chủ đạo, thể hiện rõ nhất ở cơ cấu năng lượng thay đổi mạnh mẽ nghiêng về năng lượng tái tạo (NLTT), động cơ điện thay thế động cơ đốt trong.

Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), năng lượng tái tạo toàn cầu đã phát triển đến ngưỡng không còn đường lui. Theo đó, công suất và đầu tư cho NLTT tiếp tục tăng nhanh hơn năng lượng hóa thạch và hạt nhân. Năm 2019, hơn 50% công suất năng lượng tái tạo mới bổ sung có chi phí sản xuất điện rẻ hơn so với nhà máy điện than mới. Năng lượng tái tạo (gió và mặt trời, tích hợp dự trữ trung hạn) đang dần cạnh tranh hơn với các dạng năng lượng hóa thạch ở quy mô thương mại.

tm-img-alt
Năng lượng tái tạo toàn cầu phát triển đến ngưỡng không còn đường lui. 

Trên thế giới, nhiều nước chuyển sang áp dụng cơ chế đấu thầu, gọi thầu cạnh tranh để hỗ trợ các dự án điện tái tạo tập trung quy mô lớn đồng thời tăng cường chú trọng đối với quy mô phân tán. Những lợi ích mà năng lượng tái tạo đem lại (việc làm, chi phí ngoại sinh,...) lớn hơn so với chi phí chuyển dịch hệ thống năng lượng.

“Vẫn còn tiềm năng lớn cho việc kết hợp các ngành (điện tái tạo kết hợp cấp nhiệt/giao thông) và tích trữ. Trong thập kỷ tới, cuộc đua hydrogen và xe điện sẽ khiến cho các giải pháp tích trữ ngày càng cạnh tranh, khắc phục tính thay đổi của năng lượng tái tạo”, bà Ngụy Thị Khanh dự báo.

Bà Khanh cho biết, giá thành pin đang giảm rất nhanh. Cụ thể, đối với quy mô trữ lớn (utility scale), giá từ 4.284 $/kWh (2010) xuống 1.568 $/kWh (2017), giảm 2,7 lần, bình quân 35%/năm; Đối với pin dùng cho ô tô (automotive packs), giá từ 1.183 $/kWh (2010) xuống 156 $/kWh (2019), giảm 7,6 lần, bình quân 76%/năm.

Trong khi đó, nhiệt điện than toàn cầu đang có xu hướng giảm rõ rệt. Năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp công suất nhiệt điện than giảm xuống ở các công đoạn. Trong đó, công suất của các nhà máy điện than thi công mới giảm hàng năm, năm 2018 giảm 39% so với năm 2017 và 84% so với năm 2015; Năm 2019 giảm 16% so với năm 2018. Hoạt động tiền thi công tiếp tục sụt giảm 50% tại Ấn Độ, 22% tại Đông Nam Á trong giai đoạn 2018 - 2019 so với năm 2015.

Tại Trung Quốc, năm 2016 quốc gia này bắt đầu siết chặt cấp phép, đình chỉ xây dựng 83,6 GW cho tới năm 2019 nhưng năm 2018 đã cho phép khôi phục trở lại 85% tổng công suất tạm dừng. Tổng công suất điện than năm 2020 tăng 37 GW.

tm-img-alt
Nhiệt điện than đang có xu hướng giảm mạnh trên toàn cầu. 

Ấn Độ cũng đang cắt giảm mạnh điện than. Trong đó, năm 2020 giảm 90% công suất đề xuất xây mới so với năm 2015; Năm 2020 giảm 50% công suất thi công so với năm 2015; Hệ số công suất của các nhà máy điện than thấp, chỉ đạt 60%.

Số nhà máy điện than đóng cửa tiếp tục gia tăng kỷ lục và đứng đầu là Mỹ (đóng cửa 17,6 GW trong năm 2018) bất chấp những nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Trump nhằm duy trì hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than cũ. Tổng công suất điện than ngừng hoạt động thời Tổng thổng Trump (52,4 GW) cao hơn nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Obama (48,9 GW). Mỹ có kế hoạch đóng 1/3 các nhà máy điện than vào năm 2035. Trong khi đó, Liên minh khởi xướng bởi chính phủ Anh, Canada và nhiều chính quyền cấp tỉnh, thành phố ở châu Âu, Mỹ đã coi than là quá khứ.

Ở Châu Á, tỉnh South Chungnam (Hàn Quốc) là nơi đầu tiên tuyên bố đóng cửa nhiệt điện than do ô nhiễm không khí. Các nhà thầu xây dựng điện than mới đang đối mặt với môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt. Đơn cử như việc thắt chặt tài chính của hơn 126 ngân hàng và tổ chức bảo hiểm toàn cầu hay cam kết xóa bỏ than, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch của 33 quốc gia và 27 chính quyền địa phương.

Nếu đem so sánh công suất điện than với năm 2015 thì năm 2020, toàn thế giới giảm 78% số lượng công suất đã công bố; Giảm 43% số lượng công suất đang xây dựng; Giảm 72% số công suất xây dựng bình quân năm.

Trong năm 2020, không hề phát sinh nhà máy điện than mới ở các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - PV). Ngoài châu Á chỉ có Zimbabwe có nhà máy điện than mới được xây dựng năm 2020. Trung Quốc tăng 37 GW trong khi phần còn lại của thế giới đều giảm nhu cầu phát triển điện than. Và đây cũng là thời điểm mà kế hoạch xây dựng điện than mới bị thất bại tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Có thể tại Băng La dét, Pakistan và Philippines chứng kiến các dự án điện than cuối cùng được xây mới.

Việt Nam hướng tới chuyển dịch năng lượng bền vững và công bằng

Không nằm ngoài xu hướng phát triển của thế giới, Việt Nam cũng đang thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng sâu rộng. Theo TS Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng Việt Nam, chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam thể hiện qua việc chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng mới và năng lượng tái tạo; Chuyển dịch từ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu sang sử dụng, sản xuất năng lượng trong nước; Thị trường năng lượng độc quyền đang chuyển dịch sang thị trường năng lượng cạnh tranh; Hệ thống năng lượng tập trung dần chuyển sang hệ thống phân tán. Đồng thời, việc vận hành hệ trống truyền thống cũng dần bị thay thế bởi vận hành hệ thống thông minh.

tm-img-alt
TS Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng Việt Nam. 

Báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho thấy, từ năm 2011-2019, nhu cầu năng lượng sơ cấp tăng mạnh, bình quân 6,8%/năm. Nguồn than cũng vì vậy mà tăng mạnh để cung cấp cho nhu cầu sản xuất điện. Năng lượng sinh khối phi thương mại giảm mạnh do quá trình đô thị hóa và mức sống ngày càng cao. Năng lượng tái tạo gia tăng.

Dự kiến về cơ cấu công suất đặt nguồn điện tới năm 2030, nhiệt điện than sẽ giảm dần từ 34% xuống còn 27% ở năm 2030, còn 18% vào năm 2045, chỉ tiếp tục phát triển các nhà máy nhiệt điện than đang trong quá trình triển khai xây dựng và đang chuẩn bị đầu tư. Thay vào đó, sẽ phát triển mạnh mẽ các nguồn điện khí, đưa tỉ lệ điện khí từ 15% hiện nay lên mức 23% năm 2030, 25% năm 2045. Điện mặt trời và điện gió cũng phát triển tăng lên 42% trong tổng công suất đặt hệ thống năm 2045.

Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp khí; Ưu tiên phát triển điện khí; Đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG); Đảm bảo đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) khoảng 8 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỉ m3 vào năm 2045.

Như vậy, Việt Nam cũng như toàn cầu đang hướng tới chuyển dịch năng lượng bền vững và công bằng. Trong đó, quá trình chuyển đổi diễn ra theo hướng chuyển từ phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch sang phát triển và ứng dụng năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Bên cạnh đó, chuyển dịch năng lượng còn gắn liền với chuyển dịch lao động, gắn với sự tham gia đa dạng của nhiều thành phần trong xã hội vào thị trường năng lượng, đòi hỏi sự điều tiết để đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên liên quan.

“Đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế, tăng cường tiếp cận năng lượng với mức chi phí hợp lý, tạo ra công ăn việc làm mới và có chất lượng cho các cộng đồng bị tác động bởi quá trình chuyển dịch”, bà Ngụy Thị Khanh chia sẻ. 

Kỳ 2: Chuyển dịch năng lượng - Nắm bắt cơ hội vàng, vượt qua thách thức

Vương Liễu
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết