Bộ Xây dựng vừa ban hành chỉ thị đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của ngành. Theo đó, Trung tâm Thông tin khẩn trương hoàn thiện khung quản lý, quản trị dữ liệu số ngành Xây dựng nhằm quy định việc quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số; sử dụng, khai thác dữ liệu số của cơ quan nhà nước; cung cấp dữ liệu mở ngành Xây dựng cho tổ chức, cá nhân...; phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung Bộ Xây dựng kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các Bộ, ngành, địa phương nhằm chia sẻ dữ liệu, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bộ cũng yêu cầu tích hợp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ với hệ thống định danh và xác thực điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số của ngành; ưu tiên chuyển đổi số các quy trình, thông tin dữ liệu đem lại hiệu quả ngay cho hoạt động quản lý điều hành.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân, toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới với hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, chuyển đổi số báo chí. Việt Nam đã sẵn sàng cho phát triển số mạnh mẽ.
Để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thống nhất một số quan điểm chỉ đạo, như: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ riêng Việt Nam, mà trên bình diện toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh đối diện với "thách thức kép" - vừa chống đại dịch COVID-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi số với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương, do đó, phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia quá trình chuyển đổi số.
Cần phải có tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược, có giải pháp, cách làm phù hợp, nhưng phải bám sát thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm. Tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Xuân Hòa