Xây dựng cơ chế thu hút tín dụng xanh cho phát triển năng lượng sạch

Theo các chuyên gia, cần sớm xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển) của từng ngành, lĩnh vực đồng bộ để thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh.
Năng lượng sạch sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu ‘Net Zero’QHĐ VIII hướng tới năng lượng xanh, phát triển năng lượng bền vữngViệt Nam phát huy thế mạnh về năng lượng mặt trờiAustralia phát triển dự án năng lượng sạch lớn nhất thế giới

Khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức tín dụng

Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 2) với chủ đề “Hướng tới trung hòa carbon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các sự án điện gió, điện mặt trời, điện khí” được đánh giá là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng chia sẻ, trao đổi, phân tích các vấn đề bất cập, thách thức, cơ hội cho việc phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phạm Văn Tấn cho biết, sau Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2050.

Trong đó, xây dựng cụ thể hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, theo đúng những gì Việt Nam đã cam kết. Theo đó, để phát thải ròng về “0”, lĩnh vực năng lượng phải giảm ít nhất 32% vào năm 2030 và 90% vào năm 2050, so với kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường của Việt Nam. Vì vậy, thay thế điện than bằng các nguồn điện gió, điện mặt trời, điện khí và các nguồn điện ít phát thải khác là cách đi bắt buộc phải theo.

Liên quan đến vấn đề tài chính, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, đến năm hết năm 2021, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 441.000 tỷ đồng (chiếm 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 32,5% so với năm 2020. Đặc biệt, dư nợ tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo đạt khoảng hơn 212.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 47% dư nợ cấp tín dụng xanh của toàn hệ thống.

Xây dựng cơ chế chính sách thu hút tín dụng xanh cho phát triển năng lượng sạch - Ảnh 1
Việt Nam cần có các chính sách đột phá để đảm bảo thu hút nguồn lực tài chính cho lĩnh vực này.

Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo vì phải tính đến yếu tố hiệu quả của dự án thông qua các vấn đề: giá điện, thời gian thu hồi vốn, yếu tố thời tiết, khả năng của hệ thống truyền tải, năng lực quản lý của chủ đầu tư… Để cải thiện được các vướng mắc trên, Việt Nam cần có chính sách đột phá như hình thành Quỹ năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực hiện các hình thức ủy thác, bảo lãnh, vay vốn, phát hành trái phiếu xanh… để đảm bảo thu hút nguồn lực tài chính cho lĩnh vực này.

Theo chia sẻ của ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, việc thu xếp vốn hiện nay gặp nhiều khó khăn do chủ trương hạn chế cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án hạ tầng năng lượng.

“Các Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và nhiều tổ chức tín dụng quốc tế khác hạn chế cho vay đối với các dự án nhiệt than. Các nguồn vốn ưu đãi (ODA) nước ngoài để đầu tư các dự án điện cũng rất hạn chế. Trong khi, việc thu xếp các nguồn vốn trong nước gặp nhiều khó khăn, do hầu hết các ngân hàng trong nước đã vượt hạn mức tín dụng đối với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan”, ông Hiếu nói.

Còn về khó khăn trong phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, ông Hiếu cho rằng, đó là cơ chế giá. Giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn...).

Nghiên cứu chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn

Theo Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phạm Thị Thanh Tùng, việc mở rộng và khai thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng đòi hỏi sự phối, kết hợp từ nhiều phía. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý về tiêu chí môi trường và việc xác định đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (danh mục phân loại xanh) làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá, giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh...

Cần sớm xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển) của từng ngành, lĩnh vực đồng bộ để thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp đầu tư dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo...

Ngoài ra, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sớm ban hành chính sách về giá điện trong thời gian tới, bảo đảm minh bạch, nhất quán tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. "Đáng chú ý, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, xây dựng các quy định chi tiết về Trái phiếu xanh như ban hành các quy định, điều kiện về trái phiếu xanh, các tiêu chuẩn lựa chọn dự án xanh đối với doanh nghiệp…", bà Phạm Thị Thanh Tùng đề nghị.

Kinh nghiệm quốc tế về thu hút đầu tư cho năng lượng tái tạo

Trong những năm qua, các ngân hàng trên toàn rhế giới đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm thu hút nguồn đầu tư cho năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Trong đó, Ngân hàng Trung ương Bangladesh đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho tăng trưởng tín dụng xanh, với mức tối thiểu là 5% tổng dư nợ tín dụng. Ngoài ra các tổ chức tín dụng phải thành lập các quỹ rủi ro khí hậu được sử dụng để tài trợ cho các dự án xanh, trong đó c theo hình thức viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi.

Cũng trong các giải pháp này, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải dành 40% nguồn vốn tín dụng để cho vay các lĩnh vực ưu tiên được Chính phủ quy định, bao gồm nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở hạ tầng xã hội và các dự án năng lượng tái tạo nhỏ (Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã bổ sung các dự án năng lượng tái tạo nhỏ vào danh mục các lĩnh vực ưu tiên năm 2015).

Bên cạnh đó, các Ngân hàng Trung ương đã hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm định hướng cho các nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực xanh, trong đó có năng lượng tái tạo. Từ năm 2011, Ngân hàng Trung ương Bangladesh đã ban hành Chỉ thị về Quản lý rủi ro môi trường, yêu cầu các ngân hàng tích hợp quản lý rủi ro môi trường vào hệ thống quản lý rủi ro tín dụng, ban hành hướng dẫn thực hiện ngân hàng xanh.

Hay tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, yêu cầu bắt buộc các ngân hàng phân loại các khoản cho vay xanh, nâu và trung lập trong danh mục đầu tư. Đồng thời cho phép trọng số rủi ro có thể được hạt thấp cho các tài sản xanh dựa trên bằng chứng về rủi ro thấp hơn của các tài sản này.

Bên cạnh đó, việc huy động trái phiếu xanh được đánh giá là công cụ huy động vốn quan trọng để tài trợ cho các dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo, góp phần khuyến khích phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững trong tương lai.

Lan Anh

Xem thêm

Liên kết