Chuyện về những người bảo vệ ‘lá phổi xanh’

Trong nhiều năm qua, lực lượng Kiểm lâm Việt Nam đã khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, đóng góp một phần không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế lâm nghiệp và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Vì sao phải trồng cây gây rừng và bảo vệ rừng?Gia Lai: Kỷ luật nhiều cán bộ sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừngCác nước cam kết bảo vệ rừng AmazonPhát động cuộc thi viết về “Bảo vệ Rừng và Môi trường”

Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa tầm quan trọng của rừng, ngày 11/9/1972, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng và được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố theo sắc lệnh số 147/LCT. Tại điều 16 của Pháp lệnh quy định “Nay thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng gọi là Kiểm lâm nhân dân”. Lực lượng Kiểm lâm nhân dân được tổ chức theo Nghị định số 101/CP, ngày 21/5/1973 của Hội đồng Chính phủ. Lực lượng Kiểm lâm Việt Nam chính thức ra đời từ đây.

Phát triển lớn mạnh 

Qua nhiều năm phát triển, lực lượng Kiểm lâm đã khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, đóng góp một phần không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế lâm nghiệp và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, lực lượng Kiểm lâm luôn được sự quan tâm chỉ đạo, bồi dưỡng, giáo dục, quản lý của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là cấp ủy Đảng, lãnh đạo Bộ Lâm nghiệp nay là Bộ NN&PTNT, UBND các cấp, sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, các cấp và sự ủng hộ của nhân dân. Nhờ đó, Kiểm lâm Việt Nam không ngừng rèn luyện, trưởng thành cả về chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và đã đạt những thành tựu nổi bật trên nhiều mặt.

tm-img-alt
Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, huyện Na Rì. (Ảnh: conganbackan.vn)

Sự đổi mới của đất nước trong nửa cuối thập kỷ 80 đã phân biệt rõ giữa chức năng quản lý Nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh. Rừng được phân chia thành ba loại sản xuất, phòng hộ, đặc dụng, kết hợp với sự chuyển đổi khai thác rừng từ lạm dụng vốn rừng quảng canh sang thâm canh và sản xuất theo phương thức nông lâm kết hợp. Các công việc đó đều đòi hỏi vai trò không thể thay thế của lực lượng Kiểm lâm. Tháng 8/1991, Luật bảo vệ và phát triển rừng được ban hành, tổ chức kiểm lâm dần dần được kiện toàn và không ngừng vượt lên hoàn thành những trọng trách nặng nề mà Đảng và Nhà nước giao cho.

Tổ chức kiểm lâm theo Nghị định 39/CP ngày 18/4/1994 đã thành hệ thống từ Trung ương tới cấp huyện; phần lớn Chi cục Kiểm lâm đều trực thuộc UBND tỉnh. Việc đổi mới tổ chức bước đầu đã giúp củng cố, kiện toàn được lực lượng Kiểm lâm để hoàn thành những nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Kiểm lâm Việt Nam đã thực sự trở thành một lực lượng không thể thiếu trong sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng, trong sự nghiệp đổi mới và hiện đại hóa đất nước. Tổ chức kiểm lâm theo Nghị định 39/CP được duy trì trong 12 năm. 

Song song với việc thiết lập hệ thống tổ chức kiểm lâm cấp huyện, mạng lưới các hạt phúc kiểm lâm sản, hạt kiểm lâm ở các khu rừng đặc dụng đã được thành lập để bảo đảm việc bảo vệ rừng đặc dụng và quản lý lâm sản trên phạm vi toàn quốc. Lực lượng Kiểm lâm đã tham mưu cho Nhà nước ban hành Nghị định 01/CP, 02/CP và 163/CP về giao đất lâm nghiệp, khoán bảo vệ rừng cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

Nhiều thành tựu nổi bật 

Được thành lập từ năm 1973, đến nay lực lượng Kiểm lâm đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, thực sự trở thành một lực lượng không thể thiếu trong sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng, trong sự nghiệp đổi mới và hiện đại hóa đất nước.

Thứ nhất, chủ động tham mưu, xây dựng góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, đáp ứng và phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn. Từ Pháp lệnh Bảo vệ rừng năm 1972 đến Luật Bảo vệ và phát triển rừng được ban hành năm 1991, sửa đổi, bổ sung năm 2004 và tiếp tục trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung tại Kỳ họp thứ 3 và 4 Khóa XIV, cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác về công tác quản lý bảo vệ rừng đã được ban hành, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thứ hai, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về quản lý bảo vệ rừng giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại. Theo thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, năm 2019, cả nước đã phát hiện 10.731 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 2.223 vụ (tương đương 17%) so với năm 2018.

Cụ thể, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương và những đơn vị chủ rừng tổ chức các đợt kiểm tra rừng, truy quét lâm tặc. Đồng thời, tuần tra kiểm soát lâm sản tại các khu vực xung yếu, tụ điểm khai thác gỗ, phá rừng làm nương rẫy, xâm chiếm đất lâm nghiệp, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản, động vật rừng trái phép trên địa bàn các tỉnh. Nhờ làm tốt các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng nên số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng xảy ra có xu hướng giảm dần qua hàng năm; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng trong cộng đồng dân cư ngày càng tăng.

Thứ ba, công tác quản lý bảo vệ rừng từng bước được nâng lên. Lực lượng Kiểm lâm đã hoàn thành dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng, góp phần phục vụ công tác rà soát, đánh giá, quy hoạch tổng thể rừng cấp quốc gia và cấp vùng phục vụ kế hoạch quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Theo đó, đã tổ chức giao được trên 11 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp (rừng đặc dụng 2,043 triệu ha, rừng phòng hộ 2,985 triệu ha, rừng sản xuất 6,230 triệu ha) cho các chủ thể quản lý. Hướng dẫn gần 40.000 cộng đồng dân cư thôn, bản xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức thành lập được 33.000 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở cơ sở.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, tổng diện tích rừng của Việt Nam hiện nay là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha, hệ số che phủ đạt 42%, cao hơn mức bình quân thế giới (29%).

Thứ tư, là cầu nối đưa những chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với quần chúng nhân dân. Lực lượng Kiểm lâm đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng đến người dân. Ngay sau khi Nghị định 75/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 được ban hành, lực lượng Kiểm lâm đã kịp thời tuyên truyền, đưa chính sách đến từng thôn bản, vận động người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ năm, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng tiếp tục được mở rộng, tranh thủ sự trợ giúp về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của quốc tế. Hàng trăm dự án hỗ trợ quốc tế được thực hiện có hiệu quả trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên. Lực lượng Kiểm lâm được Nhà nước giao tham gia và thực hiện nhiều Công ước quốc tế như: Công ước Bảo tồn đa dạng sinh học, Công ước CITES, Hiệp định về khói bụi xuyên biên giới; Hiệp định VPA-FLEGT... đã cơ bản hoàn thành trách nhiệm của nước thành viên, thực hiện có trách nhiệm các nghĩa vụ cam kết, tham gia vào các chương trình điều phối chung, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, trong giai đoạn hiện nay, lực lượng Kiểm lâm phải càng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ. Kiểm lâm phải là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ rừng, luôn giữ gìn và xây dựng hình ảnh để người dân tin tưởng, ủng hộ. Kiểm lâm Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa để ngày càng lớn mạnh, lập nhiều thành tích hướng đến 50 năm ngày thành lập.

Ngọc Ánh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết