Con người đã "xoá sổ" gần 600 loài thực vật

Nghiên cứu mới công bố cho thấy, tỷ lệ tuyệt chủng thực vật hiện tại cao gấp 500 lần so với thời điểm trước cách mạng công nghiệp, nguyên nhân chủ yếu là do con người.
Tổng thống Mỹ Donald Trump "về phe" biến đổi khí hậuChất lượng nước biển ở Anh gần như "kém" nhất châu ÂuNước Anh xem xét lại mục tiêu loại bỏ hoàn toàn khí thải nhà kính

Nhóm các nhà khoa học Anh vừa công bố một nghiên cứu trên tạp chí Nature Ecology and Evolution. Theo đó, kể từ năm 1750 đã có khoảng 571 loài thực vật bị "xoá sổ" vĩnh viễn. Tỷ lệ tuyệt chủng thực vật hiện tại cao gấp 500 lần so với thời điểm trước cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, những người đứng đầu nghiên cứu cho biết, con số này có thể cao hơn rất nhiều trong thực tế, vì hiểu biết của con người về thế giới tự nhiên vẫn còn nhiều hạn chế.

con nguoi da xoa so gan 600 loai thuc vat
Tiến sĩ Maria Vorontsova lo ngại về hiện tượng tuyệt chủng thực vật. Ảnh: Vườn bách thảo Hoàng gia London.

Tiến sĩ Eimear Nic Lughadha đến từ Vườn bách thảo Hoàng gia London cho biết: “Thực vật là nền tảng cho tất cả sự sống trên trái đất. Chúng cung cấp oxy và thức ăn cho chúng ta, chúng tạo nên xương sống của hệ sinh thái thế giới. Vì vậy, hiện tượng tuyệt chủng thực vật là tin xấu cho tất cả các loài, bao gồm cả con người".

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, số lượng thực vật đã biến mất khỏi tự nhiên nhiều gấp đôi số lượng các loài chim, động vật có vú và động vật lưỡng cư tuyệt chủng cộng lại; gấp bốn lần số lượng thực vật tuyệt chủng được ghi trong sách đỏ của Liên minh quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên.

Theo tiến sĩ Maria Vorontsova của Vườn bách thảo Hoàng gia London, con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều. Bà cho biết, hiện tượng tuyệt chủng trong thế giới tự nhiên (bao gồm cả thực vật và động vật) có thể xảy ra theo “hiệu ứng domino”. Ví dụ, có nhiều loài thực vật sinh sôi nhờ những động vật khác, khi chúng vô tình phát tán hạt giống khi đi kiếm ăn; nhiều loài chỉ còn một giới tính sót lại sớm muộn sẽ bị tuyệt chủng vì không còn cơ hội sinh sản.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học phải mất rất nhiều năm để chắc chắn một loài thực vật có bị tuyệt chủng hay không, thậm chí có nhiều loài thực vật có thể đã biến mất trước khi được khoa học phát hiện. Vì vậy, nghiên cứu toàn bộ các cánh rừng trên thế giới là một việc không tưởng.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hiện tượng tuyệt chủng thực vật diễn ra nhiều nhất ở Hawaii, tiếp theo là các tỉnh Cape của Nam Phi, Úc, Brazil, Ấn Độ và Madagascar,…

Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này là do con người huỷ hoại môi trường tự nhiên để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Người dân sống gần các cánh rừng thường chặt phá, khai thác lâm sản bừa bãi, đốt rừng để lấy đất canh tác... Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học thậm chí đã thấy nhiều cánh rừng ven biển bị phá huỷ hoàn toàn. Nhiều loài cây quý như gỗ đàn hương Chile, ô liu Saint Helena,… “ra đi” trong tình trạng bị nhiễm nấm và mối mọt.

Ông Alan Gray thuộc Trung tâm Sinh thái và Thủy văn học Vương quốc Anh cho biết: “Để giải quyết cuộc khủng hoảng tuyệt chủng này, nhân loại cần phải đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho nghiên cứu và các kế hoạch bảo tồn".

Theo giới khoa học quốc tế, việc kiểm soát tuyệt chủng thực vật là một bài toán khó khi có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm không khí, hành vi tàn phá của con người,… Có đến hơn 1 triệu loài thực vật và động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. Bảo vệ môi trường tự nhiên là nhiệm vụ tối quan trọng, cần sự chung tay của các quốc gia và tổ chức trên thế giới.

Diệu Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường