Mọi hoạt động của con người để duy trì cuộc sống đều nhằm vào việc khai thác các hệ thống sinh thái của tự nhiên, bao gồm đất, nước, không khí, khoáng sản và các dạng năng lượng như gỗ, củi, nắng, gió,... Các sản phẩm công, nông, lâm, ngư nghiệp và văn hoá, du lịch của con người đều bắt nguồn từ các dạng vật chất tồn tại trên trái đất và không gian bao quanh trái đất.
Các nguồn năng lượng, vật liệu, thông tin sau mỗi lần sử dụng được tuần hoàn quay trở lại dạng ban đầu được gọi là tài nguyên tái tạo. Ví dụ như nước ngọt, đất, sinh vật... là loại tài nguyên mà sau một chu trình sử dụng sẽ trở lại dạng ban đầu.
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, con người ngày càng tăng cường khai thác các dạng tài nguyên mới và gia tăng số lượng khai thác, tạo ra các dạng sản phẩm mới có tác động mạnh mẽ tới chất lượng môi trường sống.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất và tiêu dùng của cải vật chất, con người lại tạo ra các chất thải vào môi trường. Các chất thải này có thể ở dạng rắn, dạng lỏng hoặc dạng khí.
Trong môi trường, các chất thải dưới tác động của các vi sinh vật và các yếu tố môi trường khác sẽ bị phân hủy, biến đổi theo các quá trình sinh địa hóa phức tạp. Ở thời kỳ sơ khai, do các chất thải ra môi trường còn ít nên sau quá trình phân hủy tự nhiên trong một thời gian nhất định, lại trở lại trạng thái nguyên liệu của tự nhiên. Cho đến khi bùng nổ dân số thế giới, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa làm số lượng chất thải tăng lên không ngừng, nhiều chỗ trở nên quá tải, gây ô nhiễm môi trường.
Trong đó, khả năng tiếp nhận và phân hủy chất thải trong một khu vực nhất định gọi là khả năng đệm của khu vực đó. Khi lượng chất thải lớn hơn khả năng đệm, hoặc thành phần chất thải có nhiều chất độc, vi sinh vật gặp khó khăn trong quá trình phân hủy thì chất lượng môi trường sẽ giảm xuống và môi trường có thể ô nhiễm.
Hiện nay, đứng trước những thách thức của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, con người đang từng bước nâng cao nhận thức, gắn liền quá trình sản xuất với quá trình bảo vệ môi trường sống xung quanh. Điều này đang gặp khó khăn, tuy nhiên với sự nỗ lực của chúng ta, việc thay đổi tiến trình nóng lên toàn cầu là hoàn toàn có thể.
Bắt đầu từ việc giảm phát thải vào môi trường từ chính những hoạt động thường nhật của mỗi người là hành động bảo vệ cuộc sống của chúng ta một cách thiết thực, bền vững nhất.