Thừa lệnh của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố các lệnh về việc công bố Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Đường bộ; Luật Thủ đô; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Thêm nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2004 gồm 11 Chương, 141 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 với nhiều thay đổi lớn và bổ sung nhiều quyền lợi cho người tham gia.
Luật có những điểm mới, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, bổ sung quy định chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thay đổi quy định hưởng chế độ ốm đau, giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu được hưởng lương hưu.
Ngoài ra, luật cũng bổ sung thêm quy định người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội sau 1/7/2025 bị hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ thai sản và chế độ tai nạn lao động, phá thai ngoài ý muốn vẫn được hưởng chế độ thai sản, bổ sung quy định xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, quy định cụ thể về mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở.
Mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000km đường cao tốc
Luật Đường bộ 2024 được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Luật tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; đồng thời, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn với tầm nhìn chiến lược theo hướng thông minh hơn, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đường bộ và tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính.
Đáng chú ý, chương III (về đường bộ cao tốc) là chương mới và đặc biệt quan trọng quy định cơ chế chính sách đột phá chiến lược về đường cao tốc, tháo gỡ vướng mắc trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để nâng cấp các tuyến cao tốc trong giai đoạn phân kỳ theo quy mô quy hoạch, tạo hành lang pháp lý để đạt được mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000km đường cao tốc.
Xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Sáng 28/6, Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 7 Chương với 54 Điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Luật quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”.
Mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Tăng cường minh bạch, hạn chế tiêu cực trong đấu giá tài sản
Ngày 27/6, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Luật bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, người có tài sản đấu giá như cấm lập danh sách khống về người tham gia đấu giá, lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động đấu giá, hạn chế cá nhân, tổ chức tham giá đấu giá không đúng quy định để tăng cường tính độc lập, khách quan, minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực trong hoạt động đấu giá.
Bên cạnh đó, bổ sung 2 điều mới về đấu giá trực tuyến và trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến, trong đó quy định việc đấu giá trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến, các nguyên tắc chung thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến và giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm hoàn thiện hơn nữa hình thức đấu giá trực tuyến, góp phần nâng cao tính khách quan, công khai, minh bạch, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản.
Khơi thông nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng quy định theo hướng cho phép các luật được sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, thay vì có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Riêng nội dung liên quan đến quản lý sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế quy định tại Luật Đất đai liên quan đến các dự án đầu tư thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 mà nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ để thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư trước ngày 1/8/2024 thì cho phép có hiệu lực đến trước ngày 1/1/2025.
Việc sớm đưa các luật vào cuộc sống cũng nhằm khắc phục tồn tại hạn chế, nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư nhất là các dự án đầu tư công, các dự án bất động sản, dự án nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.