Công nghệ xử lý rác thải ở các quốc gia phát triển trên thế giới

Rác thải hiện nay đang là vấn đề lớn có tính chất toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống nếu không được xử lý triệt để. Tuy nhiên, với một số nước phát triển họ đã có những công nghệ xử lý rác hiện đại và trở thành nước sạch nhất thế giới.
Xử lý rác thải sinh hoạt: Câu chuyện chưa bao giờ hết 'nóng'Hà Tĩnh: Nhân rộng hiệu quả mô hình xử lý rác thải nông thônXử lý rác thải, mỗi nơi mỗi kiểuChuyện xử lý rác thải: Việt Nam tương tự Đức những năm 1970

Thực trạng rác thải ở Việt Nam

Hiện nay, lượng rác thải tại Việt Nam mỗi ngày lên tới khoảng 50.000 tấn, trong đó tại các đô thị là khoảng 35.000 tấn/ngày, còn lại là rác thải ở vùng nông thôn. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM mỗi ngày thải ra khoảng 7.000 – 8.000 tấn, trong đó trên 80% được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp.

Theo thống kê của Bộ TN&MT, trên cả nước hiện nay còn tồn tại khoảng 900 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt không hợp vệ sinh mà đa phần tập trung ở khu vực nông thôn.

Trao đổi với Báo Quân đội nhân dân, PGS.TS Vũ Thanh Ca (Khoa Môi trường, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, việc chôn lấp rác thải là giải pháp cực kỳ nguy hiểm. Bởi các lò thủ công đốt với nhiệt độ thấp lại không có thiết bị lọc bụi và khí độc nên gây ra ô nhiễm không khí vô cùng nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt vào mùa đông, tại đồng bằng và trung du Bắc Bộ trong thời gian qua là hậu quả của vấn đề này. Ô nhiễm không khí do bụi mịn cùng với rất nhiều khí độc như dioxin, furan sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân, thậm chí gây ung thư.

Cũng theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, rác thải không được chôn lấp hoặc thu gom, xử lý đúng cách sẽ bị nước mưa cuốn trôi ra sông và từ sông ra biển. Vì vậy, không chỉ làm ô nhiễm môi trường đất, nước, rác thải còn là nguồn quan trọng nhất gây ra ô nhiễm biển. Các kết quả đánh giá của Liên Hợp Quốc cho thấy, rác thải là nguyên nhân gây ra hiện tượng ô nhiễm biển nguy hại nhất hiện nay, đó là ô nhiễm rác thải nhựa, ảnh hưởng tới sức khỏe hệ sinh thái biển và sự phát triển bền vững của các quốc gia có biển.

Hiện nay, các chính sách pháp luật về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của Việt Nam được quy định chủ yếu trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, tính thực thi của hệ thống pháp luật về rác thải chưa cao; chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm và đầu tư đúng mức cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; hầu như các tỉnh, thành phố ở Việt Nam chưa có hệ thống phân loại rác thải tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đã phân loại; các hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác thải tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đã phân loại còn thiếu.

Các giải pháp xử lý tiên tiến trên thế giới

Không chỉ tại Việt Nam, việc thu gom, xử lý rác thải cũng là vấn đề được nhiều nước quan tâm và chú trọng. Từ nhiều năm nay, một số quốc gia trên thế giới đã không còn xuất hiện những bãi rác bốc mùi, những núi rác chất đống lâu ngày ở những nơi tập kết, thay vào đó là hình ảnh những con đường sạch đẹp, những thùng rác được phân loại kỹ càng.

Nhật Bản: Chỉ có 1% rác thải ra môi trường

Lượng rác thải ở Nhật Bản ước tính khoảng hơn 45 triệu tấn mỗi năm, xếp thứ 8 trên thế giới. Do không có nhiều đất để chôn lấp rác, nước này buộc phải dựa vào giải pháp đốt rác.

Nhận Bản sử dụng đốt bằng tầng sôi, phương pháp hiệu quả để đốt những vật liệu khó cháy. Rác thải sau khi phân loại sẽ được treo bên trên lớp đệm tro nóng sủi bọt để những luồng khí nóng thổi qua, giúp truyền nhiệt nhanh và thúc đẩy các phản ứng hóa học diễn ra.

Đi bộ ở bất kỳ khu phố nào ở Nhật Bản, bất cứ ai cũng sẽ sớm bắt gặp các biển báo chi tiết bên đường với các biểu tượng đầy màu sắc và lịch trình thu gom rác hàng tuần. Những quy định này chi phối việc xử lý rác thải, và nhiều du khách đến Nhật Bản đã phải ngạc nhiên vì mức độ tỉ mỉ của những quy tắc này. 

Các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh phân loại thùng rác của họ thành các đồ có thể đốt cháy được (mọi thứ từ phế liệu nhà bếp đến túi nhựa, giấy, tã bỉm và quần áo) và các đồ không cháy được (thủy tinh, kim loại, pin, sành sứ và đồ điện tử) cũng như đồ tái chế.

tm-img-alt
Tờ rơi hướng dẫn phân loại rác ở Nhật Bản.

Singapore: Biến rác thành năng lượng sạch

Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên ứng dụng hệ thống biến rác thành năng lượng sạch thông qua lò đốt khép kín. Từ đó có thể xử lý đến 90% lượng rác xả ra mỗi năm. Hiện nay, Singapore có tổng cộng 4 nhà máy đốt rác.

Nhà máy đốt rác của Singapore vận hành theo quy trình: rác thải được các xe chở rác thu gom rồi chuyển tới nhà máy đốt rác. Tại đây, rác thải sẽ được cân trước khi đổ khỏi xe. Kế đến, rác được dồn vào một hầm chứa đặc biệt với thiết kế ngăn mùi hôi thối thoát ra bên ngoài. Những máy nghiền được vận hành để nghiền nát những rác thải cứng rồi đưa vào lò đốt.

Trong suốt thời gian đốt rác thải, nhiệt từ quá trình đốt sản sinh ra hơi giúp đẩy máy phát tuabin và tạo ra điện. Sau khi đốt hết rác, khói phát ra từ quá trình đốt rác trải qua quá trình lọc cẩn thận giúp loại bỏ những chất gây ô nhiễm độc hại và được xả vào không khí. Thứ còn lại cuối cùng của quá trình đốt rác là tro.

Thụy Điển: Sưởi ấm bằng rác 

Thụy Điển là một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong xử lý rác thải, bảo vệ môi trường hiện nay. Ở Thụy Điển, mỗi hộ gia đình sẽ có đến 6-7 loại thùng rác trong nhà để phân loại rác từ nguồn. Ngoài chuyện bảo vệ môi trường có sự phối hợp từ ý thức của người dân, công nghệ xử lý rác thải hiện đại và hiệu quả cũng là điểm đáng chú ý của quốc gia Bắc Âu này.

Tại Malmo, thành phố lớn thứ 3 Thụy Điển, đến 60% lượng điện tiêu thụ và nhiệt cung cấp cho hệ thống sưởi tại đây lại đang được cung cấp từ một nhà máy tái chế rác thải. Công ty xử lý rác thải Sysav được quản lý bởi 16 thành phố phía Nam Thụy Điển, xử lý rác thải trong khu vực và cũng cung cấp nhiên liệu cho chính các thành phố này.

tm-img-alt
Thụy Điển phải nhập khẩu rác để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy xử lý hoạt động. (Ảnh: sweden.se)

Đức: Rác có thể kiếm ra lợi nhuận

Năm 1950, Đức có khoảng 50.000 bãi chôn lấp rác. Đến năm 2016, con số này đã giảm xuống chỉ còn 300 và tất cả các bãi chôn lấp đều không chấp nhận rác chưa qua phân loại. 

Chính phủ Đức đặt mục tiêu sẽ tiến tới xóa bỏ tất cả các bãi chôn lấp rác hiện có, đồng thời lên kế hoạch tái chế toàn bộ lượng rác thải và biến rác thải thành năng lượng.

Theo ước tính, việc tái chế rác và biến rác thành năng lượng sẽ giúp Đức tiết kiệm 3,7 tỉ euro mỗi năm. Các hệ thống xử lý rác thải đã giúp tiết kiệm 20% chi phí nhập khẩu kim loại và 3% chi phí nhập khẩu năng lượng.

Các hệ thống xử lý rác thải tiên tiến cần nguồn tiền đầu tư lớn hơn nhiều so với các biện pháp xử lý rác truyền thống. Vì vậy, các doanh nghiệp Đức coi đây là một cơ hội đầu tư, kinh doanh. Họ cho rằng, nhờ các sáng kiến đột phá về xử lý rác thải, các doanh nghiệp Đức hiện đang dẫn đầu thế giới trong một lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển.

Một trong những sáng kiến về tái chế rác của Đức được nhiều quốc gia liên minh châu Âu làm theo, đó là nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc hạn chế lượng rác thải. Theo sáng kiến của Đức, các nhà sản xuất và bán lẻ phải trả tiền để có được Green Dot (điểm xanh) in trên bao bì sản phẩm. Nếu lượng bao bì càng lớn, doanh nghiệp càng phải trả nhiều chi phí. 

Để tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp buộc phải sử dụng ít giấy hơn, thủy tinh mỏng hơn và hạn chế kim loại, nhờ vậy, lượng rác thải ra môi trường sẽ giảm đi rất nhiều.

Nguyễn Ánh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết