Người Việt tin rằng, hàng năm đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.
Với mong muốn ông Công ông Táo sẽ “phù hộ” cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hàng năm Tết đến, người ta thường làm mâm cơm cúng tiễn Táo Quân chầu trời một cách long trọng.
Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các gia đình người Việt thường chuẩn bị mâm lễ để tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. (Ảnh minh hoạ) |
Cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép, sau khi làm lễ xong sẽ đem ra sông hay ra ao thả.
Cá chép được thả ra sông hay ra ao với ngụ ý “cá chép hóa rồng” đưa Táo Quân chầu trời. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Tùy thuộc vào điều kiện mỗi gia đình, lễ cúng ông Công ông Táo cũng nên được chuẩn bị và tiến hành với lòng thành và sự kính cẩn của gia chủ. Lễ cúng phải được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23/12 âm lịch và đọc văn khấn cúng ông Táo theo phong tục.
Tuy nhiên, các chuyên gia văn hoá cho rằng, thời gian cúng tốt nhất là từ 11 giờ – 13 giờ. Do đó gia chủ cần cố gắng thu xếp thời gian và chuẩn bị lễ vật đầy đủ để cúng lễ vào khung giờ trên.
Lễ cúng ông Công ông Táo được chuẩn bị và tiến hành với lòng thành và sự kính cẩn của gia chủ. (Ảnh minh hoạ) |
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Hồng Thuật (Bảo tàng dân tộc Việt Nam), quan niệm dân gian cho rằng giờ đẹp nhất để cúng tiễn Táo quân về Trời là giờ Ngọ (từ 11 – 13h) – tức giờ Long Mã, giờ Ngọ hóa Rồng.
“Long (rồng) tượng trưng cho trục tung, Mã tượng trưng cho trục hoành. Long Mã có đặc điểm là đầu rồng, thân ngựa, đuôi rồng. Như vậy, giờ Ngọ là giờ tối linh thiêng trong ngày 23 tháng Chạp để đưa ông Công, ông Táo về chầu trời”, ông Thuật giải thích.
Nhà nghiên cứu phong thủy Nguyễn Hồng Hải lại cho rằng, tuy giờ Ngọ là giờ đẹp nhất nhưng thực tế, nhiều người không có đủ điều kiện thời gian để cúng, thả cá vào giờ này. Chính vì vậy, không nhất thiết phải cúng ông Công ông Táo vào lúc giữa trưa. Thay vào đó, người ta có thể cúng bắt đầu từ 23h đêm ngày 22 tháng Chạp.
Cúng ông Công ông Táo không phải là hủ tục mê tín dị đoan mà là một tín ngưỡng văn hóa dân gian hướng con người đến những điều thiện và giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Người dân thường làm lễ để cầu mong các vị thần này phù trợ, báo cáo tốt lên Ngọc Hoàng Thượng đế, kết thúc một năm cũ và chuẩn bị bước vào một năm mới bình an, thuận lợi.