Dân kêu khổ, chủ đầu tư gặp vướng mắc, chính quyền ở đâu?

Hơn 500 hộ dân tại chung cư Discovery Complex (302 Cầu Giấy - Hà Nội) phản ánh cuộc sống bị ảnh hưởng vì vướng mắc liên quan vi phạm trước đó của Chủ đầu tư. Trong khi đó, chủ đầu tư cũng kêu khốn khó khi đã nỗ lực nhưng vẫn gặp vướng mắc.
Giá chung cư TP.HCM 'lập đỉnh' bất chấp dịch Covid-19'Ngấm đòn' đại dịch, giá chung cư vẫn tăng bất chấpQuản lý vận hành tốt giúp gia tăng giá trị dự án chung cư

Mới đây, hàng trăm hộ dân chung cư Discovery Complex (302 Cầu Giấy - Hà Nội) đã phản ánh đến cơ quan chức năng và báo chí. Những người dân cho biết, họ đã phải bỏ ra hàng tỷ đồng để sở hữu căn hộ nhưng đến hiện tại, họ đang phải nhận lại nhiều cái “không”.

Đơn cử như, các hộ dân tại tòa nhà Discovery Complex chưa được hưởng chính sách của Chính phủ liên quan đến việc hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho khách hàng tháng 8 và tháng 9/2021.

Ngày 23/8, Ban đại diện cư dân chung cư này có văn bản gửi tới chủ đầu tư (CĐT) là Công ty Cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy (Công ty Cầu Giấy) để thắc mắc và đề nghị được giảm tiền điện theo chính sách của Chính phủ.

Ngày 24/8, Công ty Cầu Giấy đã có thông báo gửi Ban Quản lý tòa nhà để trả lời các cư dân. Tại thông báo này, CĐT thông tin vẫn chưa được ngành điện hỗ trợ giảm giá tiền điện theo chủ trương của Chính phủ trong tháng 8-9/2021. Thay vào đó, chủ đầu tư sẽ tự hỗ trợ giảm tiền điện 10 - 15% cho cư dân.

Theo tìm hiểu, việc cư dân chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ là do lỗi từ phía chủ đầu tư. Nguyên nhân là bởi chung cư Discovery Complex vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy dẫn đến việc cư dân chưa được ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với Công ty Điện lực Cầu Giấy.

Không chỉ vậy, việc công trình chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy cũng khiến người dân vẫn chưa thể làm sổ đỏ. Và vì không có sổ đỏ, không được nhập hộ khẩu nên không ít gia đình gặp khó khăn trong việc xin cho con đi học đúng tuyến và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.

Bức xúc của người dân là điều dễ hiểu khi bỏ ra hàng tỷ đồng để mua một căn hộ chung cư với mong muốn có được một nơi ở hạng sang, đầy đủ tiện ích, xứng đáng với số tiền đã bỏ ra, nhưng kết quả nhận về lại chỉ là những bất cập bởi việc xử lý những vi phạm của CĐT bị kéo dài, mãi không được giải quyết triệt để.

Tuy nhiên, khi liên hệ với chủ đầu tư, đơn vị này cho biết, đang rơi vào tình cảnh “khó khăn chồng chất” vì vướng mắc khó giải quyết.

Mọi nguồn cơn của những bức xúc trong các hộ dân đều liên quan tới vấn đề nghiệm thu PCCC của tòa nhà. Cụ thể, trước đây, dự án Discovery Complex đã bị xử phạt hành chính về trật tự xây dựng như xây dựng không phù hợp với thiết kế như tăng 52 căn hộ do chia đôi căn hộ có diện tích lớn trên 200m2, chuyển phòng sinh hoạt cộng đồng từ tầng 9 xuống tầng 8. Vì việc điều chỉnh này, dự án rơi vào tình trạng “nghiệm thu nữa, nghiệm thu mãi mà vẫn không xong”.

Dự án chung cư Discovery Complex (302 Cầu Giấy - Hà Nội) ( Ảnh: internet)

Trao đổi với Reatimes, đại diện chủ đầu tư cho biết thêm, dự án Discovery Complex đã bị thanh tra xây dựng xử phạt vi phạm. Chủ đầu tư đã chấp hành việc xử phạt hành chính, đã nộp đầy đủ tiền phạt cho ngân sách theo quy định của pháp luật.

Nhưng dù đã chấp hành việc xử phạt, song dự án vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy. Đáng chú ý, đó là dự án đã 5 lần nghiệm thu PCCC nhưng phía đơn vị Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ vẫn chưa chấp thuận kết quả nghiệm thu PCCC mặc dù quá trình nghiệm thu PCCC đã kết luận:

“Các khu vực chủ đầu tư đề nghị kiểm tra nghiệm thu trong công trình Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp để bán và cho thuê Discovery Complex (khu vực từ tầng hầm 5 đến tầng hầm 2 và từ tầng 9 đến tầng mái khu vực căn hộ chung cư tháp B (trừ khu vực CX1, CX2, CX3, CX4) cơ bản được thi công hoàn thiện theo thiết kế PCCC được duyệt. Cơ bản các tồn tại về PCCC tại Biên bản kiểm tra nghiệm thu về PCCC ngày 27/11/2018 đã được chủ đầu tư và nhà thầu thi công khắc phục. Để được nghiệm thu về PCCC, đề nghị chủ đầu tư và nhà thầu thi công khắc phục nội dung tồn tại đã ghi mục II”.

Kết luận của biên bản kiểm tra PCCC và kiểm tra các kiến nghị về thực hiện PCCC đối với Công trình trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp để bán và cho thuê Discovery Complex.

Theo đó, các tồn tại nêu trong mục II bao gồm, tại tầng hầm đang bố trí kho tạm đã được giải phóng vật tư; Một số vị trí đèn chỉ dẫn không hoạt động đã được thay bóng đèn mới; một số vị trí màn ngăn lắp đặt chưa sát trần đã được lắp đặt lại đảm bảo kỹ thuật cho ngăn cháy, ngăn khói.

Cũng theo CĐT, liên quan đến công tác nghiệm thu PCCC, đơn vị này đã đưa ra ý kiến đề nghị đơn vị PCCC và Cứu nạn cứu hộ giải quyết dứt điểm, không kéo dài triền miên. Khu vực nào nghiệm thu PCCC đạt yêu cầu thì cấp thủ tục trước, không để tình trạng cả công trình không được chấp thuận kết quả nghiệm thu PCCC; tạo điều kiện giúp đỡ cho cuộc sống người dân, doanh nghiệp ổn định và phát triển.

Đại diện CĐT cho biết, trong quá trình nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, đơn vị PCCC cũng đánh giá công trình được đầu tư, thi công hệ thống PCCC là một trong các công trình tốt nhất Thành phố Hà Nội...

Về việc giảm tiền điện cho các hộ dân, trước đó, Công ty Cầu Giấy đã có văn bản số 1524 gửi đến các hộ dân chung cư. Văn bản nêu rõ, kể từ thời điểm Chính phủ có Nghị quyết và Bộ Công thương có văn bản chỉ đạo giảm tiền điện, giảm giá điện thì cho đến nay, doanh nghiệp này chưa  nhận được bất kỳ khoản tiền nào hoặc chưa có thông báo trả lời được giảm tiền điện của Công ty Điện lực Cầu Giấy.

Vào tháng 8/2021, Công ty đã có công văn số 1499 gửi UBND thành phố Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy và Công ty điện lực Cầu Giấy về việc đề nghị hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho các hộ dân đồng thời đề nghị bàn giao Trạm điện cho Công ty điện lực Cầu Giấy quản lý, bán điện trực tiếp cho hơn 500 hộ dân.

Vào ngày 13/9/2021, Sở Công thương UBND Hà Nội đã có văn bản số 3891 về việc hỗ trợ giảm tiền điện cho các hộ dân và bàn giao công trình điện sang ngành điện quản lý. CĐT thực hiện và hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ Công thương để thực hiện giảm tiền điện do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cho khách hàng sử dụng điện theo quy định.

Ngày 13/9, Công ty điện lực Cầu Giấy cũng có văn bản số 3121 gửi CĐT về việc thực hiện đúng quy định về sử dụng điện và hướng dẫn công ty để có cơ sở giải quyết hỗ trợ giảm tiền điện.

Đến ngày 26/9, CĐT tiếp tục đề nghị Công ty điện lực Cầu Giấy xem xét, sớm giải quyết việc hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện theo danh sách cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

CĐT khẳng định, doanh nghiệp này đã dành thời gian, tích cực giải quyết với các cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. “Sự thật, hoàn toàn không có việc Công ty Cầu giấy nhận được tiền điện giảm giá mà không trả cho các hộ dân như thông tin sai sự thật trong thời gian qua”, Công ty Cầu Giấy ra văn bản khẳng định.

Công ty Cầu Giấy cũng cam kết: “Sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ ngay lập tức tính toán số tiền điện được giảm theo đúng quy định và bù trừ vào số tiền điện các hộ dân phải nộp kỳ tiếp theo. Công ty sẽ không để người sử dụng điện chịu thiệt dù trên 1 số điện đã sử dụng, thậm chí công ty sẵn sàng chi trả khi chưa nhận được số tiền điện được giảm của ngành điện theo quy định”.

Chia sẻ với PV, đại diện của CĐT nhấn mạnh, đã nỗ lực trong việc khắc phục, xử lý vi phạm, đồng thời mong muốn chính quyền sớm tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc tồn tại hiện có để người dân được ổn định cuộc sống, thay vì không được hưởng quyền lợi chính đáng mà họ lẽ ra được nhận.

Những vi phạm của doanh nghiệp cần phải xử lý nghiêm là điều phải thực hiện. Nhưng cũng cần phải nhìn nhận lại, khi tài sản đã hình thành, hơn 500 hộ dân vào ở thì vi phạm của chủ đầu tư cần được xử lý dứt điểm, không kéo dài, đồng thời quan tâm tới quyền lợi của người dân.

Theo các chuyên gia, nếu doanh nghiệp vi phạm ở đâu, xử lý nghiêm ở đó. Khi doanh nghiệp đã khắc phục vi phạm, chính quyền cần phải can thiệp sớm, xử lý vướng mắc dứt điểm, không để ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Theo luật sư Trần Đức Phượng, trong quá trình công tác, ông cũng đã gặp nhiều dự án có nhiều vi phạm do CĐT mắc lỗi, nhưng hệ quả cuối cùng người dân là đối tượng phải chịu khổ. Nếu như trước đây, pháp luật cho phép doanh nghiệp vi phạm được nộp tiền phạt thì hiện tại, doanh nghiệp vi phạm lại chưa biết tiếp tục thế nào, "sống" hay "chết".

Cũng theo luật sư Phượng, quy định pháp luật hiện hành về việc xử lý vi phạm hành chính của doanh nghiệp triển khai dự án đang như “thuốc độc, ép doanh nghiệp phải chết”. “Chính vì tư duy kệ, không liên quan, để nhiệm kỳ sau, khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khốn khổ, cùng cực. Nếu công trình vi phạm phần nào, có thể xử lý phần đó. Còn phía doanh nghiệp, có thể nộp hết phần lợi nhuận, xử phạt nặng nhưng nên sớm có phương hướng tháo gỡ khó khăn để người dân không còn phải khổ”, luật sư Phượng nói.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Chủng nhấn mạnh: "Liên quan đến vấn đề nghiệm thu PCCC, phải đánh giá thực trạng hiện trạng toà nhà hiện nay có hay không đảm bảo an toàn điều kiện phòng cháy chữa cháy. Cơ quan PCCC phải có ý kiến như: điều kiện gì để chấp nhận cho doanh nghiệp vận hành công trình, đồng thời phải có văn bản chính thức gửi cho chính quyền Hà Nội đề nghị phương án khắc phục như các biện pháp khôi phục, xây dựng lại cái vi phạm, đã cắt bỏ. Ví dụ, muốn toà nhà đủ điều kiện vận hành thì phải có hướng dẫn thêm, tăng cường lối đi. Nếu công trình muốn đủ điều kiện phải bổ sung thang thoát hiểm để vận hành. Tài sản đã hình thành, không thể phá đi thì phải có phương án xử lý, khắc phục.

Nếu công trình không đủ điều kiện thì không cho người vào ở. Nếu làm bừa, làm sai vẫn để cho người dân vào ở, khi đó xảy ra hoả hoạn thì sao?"

PGS.TS Trần Chủng (phải), nguyên Cục trưởng cục giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam trong một lần trao đổi với phóng viên Reatimes.

Trước đó, trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí liên quan tới việc cấp sổ đỏ cho người dân tại dự án vi phạm, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, thực tế, các chung cư, người dân đều đã đến ở và giao dịch chính là việc mua căn hộ của người dân với chủ đầu tư. Theo quy định của Bộ Luật dân sự thì giao dịch mua căn hộ của người dân được coi là giao dịch ngay tình, tức là người dân không biết đây là các căn hộ có vi phạm trật tự xây dựng.

Do đó, các giao dịch đều được pháp luật thừa nhận và người gây ra các vi  phạm phải là người giải quyết vấn đề này. Vậy nên, theo GS.Đặng Hùng Võ, cần xử lý vi phạm của chủ đầu tư, tức là dù vi phạm nghiêm trọng đến đâu thì chủ đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm để giải quyết ổn thoả, đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Diệu Hiền

Xem thêm

Liên kết