Giá chung cư TP.HCM 'lập đỉnh' bất chấp dịch Covid-19

Giá chung cư tại TP.HCM 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục tăng cao, có những dự án ghi nhận sự tăng giá lên tới 10-15%/năm.
Bất động sản 'hàng hiệu': Đừng để sốt nhanh rồi phải phanh gấp (Kỳ 4)Bất động sản 'hàng hiệu': Dễ tự phong vì khuyết cơ chế giám sát (Kỳ 2)Sôi động thị trường bất động sản công nghiệpGiao dịch bất động sản bật tăng trở lại

Kỷ lục giá chung cư Việt Nam

CBRE Việt Nam vừa có báo cáo về thị trường bất động sản nửa đầu năm 2021, trong đó nội dung đáng chú ý về giá chung cư tại TP.HCM vẫn tăng cao, bất chấp khu vực này đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, thị trường TPHCM có những dự án ghi nhận sự tăng giá lên tới 10-15%/năm, ngưỡng tăng giá chung cư này cao hơn TP. Hà Nội và cao nhất cả nước.

Thị trường căn hộ chung cư tại TP.HCM hiện nay vẫn đang bị dẫn dắt bởi phân khúc hạng sang và cao cấp, trong khi nguồn căn hộ trung cấp và bình dân ngày càng trở lên khan hiếm.

CBRE Việt Nam nhận định, nguồn cung tại TP.HCM nửa cuối năm 2021 dự kiến sẽ có nhiều thay đổi, thấp hơn TP.Hà Nội từ 25 - 30% và xuất hiện xu hướng nhà đầu tư phía Nam tìm cách chuyển hướng ra phía Bắc để tìm cơ hội mới.

tm-img-alt
Giá chung cư tại TP.HCM tiếp tục tăng cao, đứng đầu cả nước mặc dù đang hứng chịu những khó khăn bởi đại dịch Covid-19 đem lại (Ảnh minh họa).

Trước đó, theo nhận định của lãnh đạo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, giá bán căn hộ tại TP.HCM biến động rất mạnh, khoảng giãn lớn nên rất khó xác định mức giá bình quân. Nhà ở bình dân cũng mất hẳn trên thị trường thành phố.

Giá bán biến động mạnh nhất ở khu vực TP.Thủ Đức, Quận 7 và một số quận trung tâm. Cụ thể, nếu so với năm 2019 thì giá bán căn hộ tại một số vùng thuộc TP.Thủ Đức đã bị đẩy lên khoảng gần 2 lần (năm 2019 cao nhất khoảng 35 triệu đồng/m2, hiện nay thấp nhất 40 triệu đồng/m2 và đạt trung bình khoảng 60 triệu đồng/m2).

Giá bình quân của số căn hộ cao cấp được chào bán trong quý II năm nay là con số kỷ lục từ trước đến nay ở TP.HCM và cả Việt Nam (khoảng 228 triệu đồng/m2). Điển hình là hàng nghìn căn hộ tại dự án ở quận 1 có giá từ 366 - 500 triệu đồng/m2.

Thổi giá bất động sản như lan đột biến?

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường vào thời điểm giữa năm 2021, thị trường chung cư TP.HCM liên tiếp xuất hiện các thông tin dự án căn hộ cao cấp, "hàng hiệu" với múc giá lên tới hàng trăm triệu đồng/m2.

Đơn cử như căn hộ tại dự án Grand Marina Saigon, quy mô 10 ha, được phát triển bởi sự hợp tác giữa Masterise Homes (thuộc Masterise Group, tiền thân là Công ty cổ phần Thảo Điền) và Tập đoàn Marriott International đang được rao bán với giá 18.000 USD/m2 (tương đương 423 triệu đồng/m2, từ 18 - 24 tỉ đồng/căn).

tm-img-alt
Công trường thi công dự án Grand Marina Saigon. 

Một dự án khác cũng nằm tại quận 1, TP.HCM là One Central Saigon do Masterise Homes làm chủ đầu tư cũng được giới đầu tư bất động sản dự án có giá lên tới vào khoảng 25.000 - 30.000 USD/m2 (tương đương 650 - 800 triệu đồng/m2, khoảng 2 triệu USD/căn hộ).

Hay như căn hộ tại dự án Empire City (phường Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM) do Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương làm chủ đầu tư cũng đang được rao bán với giá từ 12.000 - 14.000 USD/m2. 

Nằm trong phân khúc nhà "hàng hiệu" khác ở TP.HCM, có thể kể đến một loạt dự án có mức giá khác nhau nữa như: The Marq (quận 1) được triển khai bởi Hongkong Land và An Khang (một công ty có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm) có giá căn hộ dao động từ 7.000 - 8.000 USD/m2 (tương đương từ 170 - 210 triệu/m2); The River (quận 2) do Refico làm chủ đầu tư, bán với mức giá đạt 5.400 USD/m2; Metropole Thủ Thiêm do Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát làm chủ đầu tư và nhà phát triển là SonKim Land với giá bán giao động từ 170-185 triệu đồng/m2...

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về mức giá của nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM hiện nay, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng đây là mức giá "trên trời", "siêu thực", có dấu hiệu của việc đẩy giá hoặc là chiêu "đánh bóng" thương hiệu sản phẩm, nhằm huy động vốn của nhà đầu tư. 

“Đây là một loại hình mới, tuy nhiên cũng phải tuân theo thị hiếu, không ai dại dột ném tiền qua cửa sổ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế khó khăn như hiện nay. Ngay cả bất động sản cao cấp, thượng hạng, penthouse cũng không đến mức độ như vậy. Đây có thể coi là mức giá “trên trời”, rất khó thực thi, ngay cả ở Tokyo của Nhật Bản thì cũng không có mức giá cao đến vậy”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Thông tin trên báo chí cho biết, nhiều dự án sau khi ra mắt đã ghi nhận giao dịch thành công mức giá 18.000 USD/m2, tức là đã có người người mua thực tế. Tuy nhiên, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, đây có thể là chiêu trò câu kéo, “cò nhau” như lan đột biến. Chủ đầu tư dựa vào cái mác hàng hiệu để đưa ra mức giá cao nhằm huy động vốn. 

Từ đó, PGS. TS Ngô Trí Long khuyến cáo các nhà đầu tư cần cảnh giác, thận trọng khi thực hiện giao dịch, góp vốn đầu tư. Các tổ chức tín dụng cũng cần thẩm định chặt chẽ, kỹ lưỡng khi chủ đầu tư đem dự án ra thế chấp, vay vốn ngân hàng.

Về giao dịch thực tế, ông Long giữ nguyên nhận định với mức giá này ít người quan tâm thực chất, dự án khó có thể mua bán thành công. Bên cạnh đó, việc các dự án hàng hiệu đều đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thiện, nghiệm thu để đi vào hoạt động cũng chính là cơ sở để các chuyên gia hoài nghi về chất lượng thật sự của dự án. 

TP.HCM ngăn chặn thổi giá bất động sản

UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo về việc triển khai kế hoạch thực hiện chính sách nhà ở và thị trường bất động sản năm 2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.

Theo đó UBND TP.HCM yêu cầu các Sở, ngành và UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá bất động sản trên địa bàn. Cũng như đánh giá, điều chỉnh bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. 

Tập trung kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý, có vi phạm về quản lý sử dụng đất, chưa nộp tiền sử dụng đất, chậm trễ trong việc thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm trong việc thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản.

Thanh Anh

Xem thêm

Liên kết