Danko đầu tư dự án 'khủng' cỡ nào trên đất Thái Nguyên?

Tham vọng “đổi vận” khi trúng thầu làm hạ tầng kỹ thuật dự án nhà ở tại tỉnh Thái Nguyên, song Tập đoàn Danko dường như đang sốt sắng bán đất, thu tiền khi chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản, huy động vốn. Trước những hành vi bất chấp quy định pháp luật này, chính quyền Thái Nguyên liệu có “nhắm mắt làm ngơ” hay không?
Danko Group ngang nhiên xây ‘chui’ dự án 1.300 tỉ ở Thái NguyênBắc Ninh đề xuất đầu tư siêu đô thị du lịch hơn 126.000 tỉ đồngCăn hộ 'hộp diêm' 25m2 có hợp pháp hoá sai phạm của doanh nghiệp?

Một vụ đấu thầu “chóng vánh”

danko mua vo tren dat lua chinh quyen thai nguyen co lam ngo
Tập đoàn Danko tổ chức san lấp mặt bằng dự án Khu dân cư Cao Ngạn (Thái Nguyên) khi chưa đủ điều kiện xây dựng.

Thời gian qua, thông qua các gói thầu xây dựng hạ tầng, một số doanh nghiệp đã “đặt chân” vào dự án đô thị lớn tại tỉnh Thái Nguyên, từ đó triển khai các hoạt động xây dựng, bán bất động sản, huy động vốn… có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ngày 15/3/2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Thái Nguyên đã phát thông báo mời sơ tuyển gói thầu (đấu thầu rộng rãi quốc tế) dự án khu nhà ở Cao Ngạn, sử dụng quỹ đất 49,94ha (chưa giải phóng mặt bằng) tại xã Cao Ngạn và phường Chùa Hang, thuộc đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị Cao Ngạn – Chùa Hang. Mục tiêu của dự án là “đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng khu đô thị, khu dân cư theo đồ án quy hoạch được duyệt”, để nhà đầu tư trúng thầu tự giải phóng mặt bằng, đề xuất dự án với tổng chi phí thực hiện là 1.299,8 tỉ đồng.

Sau 1 tháng mời thầu, một nhà đầu tư duy nhất đăng kí là Công ty cổ phần Tập đoàn Danko, là doanh nghiệp chuyên tư vấn, môi giới bất động sản có trụ sở tại Hà Nội, có mức vốn điều lệ 50 tỉ đồng (sau khi trúng thầu mới tăng vốn lên 400 tỉ đồng). Do đó, tháng 5/2019, tỉnh Thái Nguyên đã “nhanh chóng” chỉ định thầu giao Danko triển khai gói thầu xây dựng hạ tầng có giá trị nghìn tỉ này, dù doanh nghiệp chưa từng làm dự án xây dựng hạ tầng đô thị, khu dân cư. Vì sao một công ty có vốn điều lệ eo hẹp, chưa có năng lực đầu tư lại có thể được tỉnh Thái Nguyên lựa chọn để “chỉ định thầu” chóng vánh như vậy?

Theo quy định, sau khi được lựa chọn, nhà thầu phải gửi Đề xuất chấp thuận đầu tư lên Sở Xây dựng thẩm định, sau đó trình lên UBND tỉnh phê duỵệt chấp thuận đầu tư, cũng như làm các thủ tục chuyển đổi từ đất lúa sang đất phi nông nghiệp… Nhà thầu phải chịu toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng 49,94ha đất, sau đó mới được đối trừ với tiền sử dụng đất phải nộp để làm dự án nhà ở thương mại tại đây.

Thế nhưng, khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án (chưa có quyết định giao đất, chưa có giấy phép xây dựng), tháng 7/2019, Danko đã rầm rộ động thổ xây dựng, san lấp và quảng cáo là “chủ đầu tư dự án Danko City - thành khố châu Âu đẳng cấp” tại khu đất 49,94ha nêu trên. Sự kiện này có sự tham dự của nhiều lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở ban ngành liên quan như ông Vũ Hồng Bắc - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên...

Ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên khẳng định: dự án này còn chưa được chấp thuận đầu tư, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường và giấy phép xây dựng… mà doanh nghiệp đã tự ý khởi công, tổ chức san lấp là trái quy định tại Luật Xây dựng năm 2014.

Dự án Danko City nằm ở đâu?

Sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu xây dựng hạ tầng khu nhà ở Cao Ngạn, ngày 30/5/2019, UBND thành phố Thái Nguyên và Tập đoàn Danko đã ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu này trong thời gian 48 tháng, tổng chi phí xây dựng là 1.300 tỉ đồng, trên diện tích 49,94ha.

Hoạt động san lấp mặt bằng đã được Danko triển khai ngay sau lễ động thổ, dù chưa đủ điều kiện thi công. Vì đến ngày 10/3/2020, Sở Xây dựng mới cấp giấy phép xây dựng cho Danko thực hiện thi công gói thầu xây dựng hạ tầng kĩ thuật tại dự án khu nhà ở Cao Ngạn trên một phần diện tích 26,45ha (đã thu hồi, giải phóng mặt bằng).

Đáng chú ý, đến ngày 11/9/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên mới có Công văn số 3740/UBND-QHXD gửi Bộ Xây dựng về việc xin ý kiến chấp thuận đầu tư dự án Khu nhà ở Cao Ngạn, trong đó có dự án Danko đề xuất. Bộ Xây dựng đã phản hồi lưu ý tỉnh về dự án đề xuất có nguy cơ “phá vỡ quy hoạch chung đô thị TP Thái Nguyên đến năm 2030”.

Trên thị trường, Danko và một số đơn vị môi giới đã quảng cáo, tiếp thị bán đất tại dự án bất động sản 50ha có tên “Danko City”, có mức đầu tư 1.300 tỉ đồng, cũng có vị trí tại Khu dân cư Cao Ngạn, xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên mà doanh nghiệp này đang xây dựng hạ tầng.

Những hình ảnh kí kết giữa Danko với UBND tỉnh Thái Nguyên, lễ khởi công có lãnh đạo tỉnh tham dự, mặt bằng được san ủi nhanh cóng… cũng trở thành những tài liệu “chắc nịch”, được các nhân viên môi giới đưa ra để thuyết phục khách hàng rằng “Danko là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Cao Ngạn” và nhanh chóng đặt tiền mua đất.

Cần nói rõ, Giấy phép xây dựng số 05 mà Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên cấp cho Danko ngày 10/3/2020 là xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án khu nhà ở Cao Ngạn theo gói thầu đã kí kết, thi công trên diện tích 26,45ha đã được thu hồi, giải phóng mặt bằng. Có 6 công trình được phép xây dựng gồm: hệ thống giao thông, san nền; hệ thống thoát nước mưa; hệ thống thoát nước thải; Hệ thống cấp nước; hệ thống cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc; công trình cổng chính.

Nhưng Giấy phép xây dựng này lại được tuyên truyền theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen” về sự tồn đại của một dự án bất động sản hoành tráng của Danko trên khu đất mà doanh nghiệp đang xây hạ tầng điện – đường- nước thải cho tỉnh Thái Nguyên.

Vậy còn dự án Danko City quy mô 50 ha với những dãy biệt thự, nhà liền kề, tiện ích đẳng cấp châu Âu… nằm ở đâu, đã được cấp phép đầu tư bất động sản chưa? Điều này lại rất “tù mù” trong ma trận thông tin được “giăng” bởi Danko và bên bán hàng.

Hơn nữa, đơn vị thi công đã xây “chui” một toà nhà 2 tầng tại khu đất, để sử dụng làm văn phòng kinh doanh, giao dịch các sản phẩm nhà đất của dự án Danko City.

Những hoạt động thi công không phép, xây dựng văn phòng này diễn ra từ lâu, nhưng vì sao chính quyền Thái Nguyên không kiểm tra, xử phạt vi phạm của doanh nghiệp?

Đáng nói hơn, Danko chỉ được phép xây dựng dự án đường- điện- nước nhưng lại ngang nhiên “đánh võng” khách hàng về một dự án bất động sản “vẽ trên giấy” để huy động vốn, đẩy khách hàng vào nguy cơ rủi ro mất trắng tiền.

Minh Trần
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường