ĐBQH khóa XIII Trần Khắc Tâm: ‘Đánh đổi hơn 155 ha rừng lấy sân golf liệu có đáng?’

ĐBQH khóa XIII Trần Khắc Tâm khẳng định, rừng thông là thảm thực vật quan trọng, việc chuyển đổi hơn 155 ha đất có rừng để Tập đoàn FLC làm sân golf cần phải được xem xét một cách thận trọng.
Nở rộ đầu tư sân golf gây nhiều hệ lụy cho môi trườngSân golf 'ăn đất lúa', chủ đầu tư kém năng lực tài chínhTổng cục Lâm nghiệp: Gia Lai cần cân nhắc chuyển đổi 174 ha đất rừng làm sân golfGia Lai quyết chuyển đổi 174 ha đất rừng làm sân golf?

Mới đây, thông tin về việc chuyển mục đích sử dụng khoảng 174 ha, trong đó hơn 155 ha đất có rừng để làm dự án sân golf Đắk Đoa đang làm "nóng" dư luận. Ngay sau đó, UBND tỉnh Gia Lai đã cung cấp thông tin cho báo chí.

Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai thông tin việc sử dụng đất rừng của dự án sân golf Đắk Đoa đã được ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) và lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp kiểm tra tại hiện trường và đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ: "Việc sử dụng đất rừng của dự án sân golf Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai bảo đảm phù hợp quy hoạch đất đai, bảo vệ phát triển rừng".

tm-img-alt
Rừng thông Đắk Đoa. (Ảnh Báo Gia Lai)

Cũng theo UBND tỉnh Gia Lai, dự án sân golf Đắk Đoa đã được đưa vào quy hoạch từ năm 2009. Khi được xây dựng, đây sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, thu hút khách du lịch và tạo ra quỹ đất xanh, các công trình hiện đại đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe.

Được biết, từ cuối năm 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf Đắk Đoa.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 174 ha đất có rừng để làm sân golf đã khiến người dân và các chuyên gia lo ngại. Nhiều người cho rằng, việc đánh đổi số lượng lớn đất rừng để làm sân golf có thể Gia Lai sẽ phải trả cái giá rất đắt sau này.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV tạp chí Kinh tế Môi trường, ĐBQH khóa XIII Trần Khắc Tâm cho rằng: “Lo ngại của người dân và các chuyên gia hoàn toàn có cơ sở. Đánh đổi 155 ha đất có rừng để lấy một sân golf, nơi ăn chơi, du lịch liệu có đáng?”

tm-img-alt
ĐBQH khóa XIII Trần Khắc Tâm. (Ảnh internet)

Ông Tâm cho biết, theo như báo chí đưa tin, rừng thông này là cây đã được trồng lâu năm. Việc chặt hạ cây xanh với số lượng lớn nhiều khả năng sẽ tác động không nhỏ đến môi trường, hệ sinh thái rừng. Hơn nữa, rừng thông là thảm thực vật quan trọng của tỉnh Gia Lai nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.

“Chủ trương của Chính phủ là không đánh đổi rừng lấy dự án, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh và nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ dư luận, người dân. Liệu Gia Lai cho chuyển mục đích sử dụng hơn 155 ha rừng thông để làm sân golf có hợp lý không, có đáng không?”, ông Tâm đặt câu hỏi.

Vị này nói thêm, việc phát triển cây xanh ở nước ta trước tiên phải bảo vệ, bảo tồn được rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Việc giữ được 1 ha rừng với cây lớn còn hiệu quả bằng trồng thêm 5-10 ha rừng mới. Nếu cứ lấy đất rừng để làm dự án thì việc trồng mới cũng không còn tác dụng. 

ĐBQH khóa XIII Trần Khắc Tâm nhấn mạnh: “Tôi kiến nghị các cơ quan hữu quan như Bộ NN&PTNN, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Gia Lai cần xem xét dự án này một cách thận trọng. Tỉnh Gia Lai cần tham vấn ý kiến các chuyên gia về ngành bảo tồn rừng, chuyên gia về môi trường trước khi nghĩ đến sân golf và phát triển du lịch”.

Trước đó, chuyên gia Khương Bá Tuân – Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa khẳng định, việc Thủ tướng đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh là chủ trương đúng đắn, giúp phát triển ngành lâm nghiệp, cải thiện môi trường sống. Hiện nay, việc quan trọng nhất là phải giữ được vốn rừng hiện có, không đươc phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhất là rừng đã có, rừng tự nhiên gồm rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Sau đó mới chú trọng đến việc trồng mới, nếu như không giữ được rừng thì việc trồng mới cũng không có ý nghĩa.

Ông Tuân kiên quyết phản đối việc dự án sân golf Đắk Đoa lấy đi hàng trăm ha đất rừng. Không chỉ dự án sân golf mà theo ông Tuân, bất cứ hành động nào phá rừng để sử dụng vào mục đích khác, kể cả việc trồng cây cũng cần phải lên án bởi đó là hành vi hủy hoại môi trường, đánh đổi kinh tế lấy môi trường.

Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị UBND tỉnh Gia Lai cẩn trọng

Trước đó, tháng 11/2018, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định chọn Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf Đắk Đoa thuộc địa bàn các xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đắk Đoa. Đây là dự án được tỉnh Gia Lai chào đón, ủng hộ vì những lợi ích lớn trong quá trình phát triển.

Khu vực dự kiến làm sân golf Đắk Đoa trên phần diện tích hơn 174 ha, trong đó diện tích đất có rừng 155,93 ha, diện tích đất chưa có rừng 18,08 ha, tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỉ đồng, thời hạn thuê đất là 50 năm.

Mục tiêu của dự án: Khi hoạt động sẽ tạo quần thể du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Không những vậy, dự án này sẽ là một trong những trung tâm du lịch vùng phía Bắc Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí của các đối tượng khách trong và ngoài nước...

UBND tỉnh Gia Lai sau đó có tờ trình gửi Bộ NN&PTNN đề nghị thẩm định hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng dân golf Đắk Đoa. Bộ NN&PTNN đã giao Tổng cục Lâm nghiệp xử lý.

Tổng cục Lâm nghiệp sau đó đã đề nghị tỉnh Gia Lai cần cẩn trọng, cân nhắc khi triển khai dự án. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, dự án sân golf Đắk Đoa khi xây dựng và đi vào hoạt động sẽ phải chuyển mục đích sử dụng hơn 174 ha đất rừng, làm mất đi vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định gần 50 năm, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.

Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá, việc chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn để thực hiện dự án phải được cân nhắc cẩn trọng, có những phân tích, đánh giá sâu hơn tác động đa chiều của việc triển khai dự án đến kinh tế, môi trường và xã hội.

Hà Chi
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết