Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai thông tin việc sử dụng đất rừng của dự án sân golf Đắk Đoa đã được ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) và lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp kiểm tra tại hiện trường và đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ: "Việc sử dụng đất rừng của dự án sân golf Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai bảo đảm phù hợp quy hoạch đất đai, bảo vệ phát triển rừng".
"Về cơ bản, các bộ, ngành Trung ương ủng hộ việc triển khai dự án. Tuy nhiên, do thay đổi của một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nên tỉnh phải bổ sung điều chỉnh và đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án" - UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.
Cũng theo UBND tỉnh Gia Lai, dự án sân golf Đắk Đoa đã được đưa vào quy hoạch từ năm 2009. Khi được xây dựng, đây sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, thu hút khách du lịch và tạo ra quỹ đất xanh, các công trình hiện đại đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe.
Trong 174 ha đất thực hiện dự án có 155,93 ha đất có rừng, 18,08 ha chưa có rừng. Tỉnh Gia Lai xác định khi làm sân golf sẽ hạn chế việc chặt hạ cây rừng, ưu tiên di thực cây để bảo vệ cảnh quan môi trường. Số diện tích rừng bị thay thế sẽ được trồng lại rừng ở các vị trí khác trong các năm tiếp theo. Tỉnh này khẳng định việc chuyển đổi 155,93 ha rừng trồng sang thực hiện dự án sân golf không ảnh hưởng đến độ che phủ rừng chung của địa phương.
Trước đó, tháng 11/2018, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định chọn Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf Đắk Đoa thuộc địa bàn các xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đắk Đoa. Đây là dự án được tỉnh Gia Lai chào đón, ủng hộ vì những lợi ích lớn trong quá trình phát triển.
Khu vực dự kiến làm sân golf Đắk Đoa trên phần diện tích hơn 174 ha, trong đó diện tích đất có rừng 155,93 ha, diện tích đất chưa có rừng 18,08 ha, tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỉ đồng, thời hạn thuê đất là 50 năm.
Mục tiêu của dự án: Khi hoạt động sẽ tạo quần thể du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Không những vậy, dự án này sẽ là một trong những trung tâm du lịch vùng phía Bắc Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí của các đối tượng khách trong và ngoài nước...
UBND tỉnh Gia Lai sau đó có tờ trình gửi Bộ NN&PTNN đề nghị thẩm định hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng dân golf Đắk Đoa. Bộ NN&PTNN đã giao Tổng cục Lâm nghiệp xử lý.
Tổng cục Lâm nghiệp sau đó đã đề nghị tỉnh Gia Lai cần cẩn trọng, cân nhắc khi triển khai dự án. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, dự án sân golf Đắk Đoa khi xây dựng và đi vào hoạt động sẽ phải chuyển mục đích sử dụng hơn 174 ha đất rừng, làm mất đi vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định gần 50 năm, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.
Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá, việc chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn để thực hiện dự án phải được cân nhắc cẩn trọng, có những phân tích, đánh giá sâu hơn tác động đa chiều của việc triển khai dự án đến kinh tế, môi trường và xã hội.
Liên quan đến tính pháp lý của dự án sân golf, ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chánh văn phòng phụ trách Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, cho biết, sân golf Đắk Đoa là 1 trong 89 sân golf được quy hoạch theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 và Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 26/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020. Dự án này đã được Bộ KH&ĐT thẩm định, lấy ý kiến đối với các bộ ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ.
“Đặc biệt, sau khi tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và làm việc với tỉnh Gia Lai về việc sử dụng đất của dự án sân golf Đắk Đoa, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, ý kiến rằng: Việc sử dụng đất rừng của dự án sân golf Đắk Đoa đảm bảo phù hợp quy hoạch đất đai, bảo vệ phát triển rừng. Hồ sơ dự án đã được Bộ KH&ĐT thẩm định, lấy ý kiến đối với hồ sơ đề xuất phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án của các Bộ: Xây dựng, NN&PTNT, Tài chính, Công an, Quốc phòng, VHTT&DL, để trình Thủ tướng Chính phủ”, ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, do sự thay đổi của một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nên thời gian qua Gia Lai phải bổ sung điều chỉnh và đang trình Bộ KH&ĐT để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án. Trước đó, Bộ TN&MT đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án sân golf Đắk Đoa là phù hợp với quy hoạch triển khai dự án.
Ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở KH&ĐT Gia Lai, khẳng định: “Dự án phù hợp với các quy định hiện hành. Tiêu chí hình thành sân golf là không được sử dụng đất thuộc quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Dự án hoàn thành được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước góp phần quảng bá du lịch Gia Lai".
Không được sử dụng đất rừng, đất trồng lúa để làm sân golf
Nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf được Chính phủ ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020.
Theo quy định tại nghị định này, các loại đất không được sử dụng để làm sân golf như: Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất rừng, đất trồng lúa; đất di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; đất xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao; đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển.
Với sân golf tiêu chuẩn 18 lỗ, Chính phủ quy định diện tích đất không được quá 90 ha và ra điều kiện với nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng trong thời hạn không quá ba năm.
Nghị định này cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm: Xây dựng và kinh doanh sân golf khi chưa đáp ứng điều kiện, thủ tục; lợi dụng kinh doanh sân golf để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc trái phép; cản trở hoặc không chấp hành kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước...