Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty sản xuất hàng thể thao MXP (Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, tỉnh Thái Bình). Ảnh: Duy Linh. |
Sức vươn của doanh nghiệp trong nước
Theo Bộ Công thương, xuất khẩu năm 2019 đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội và Chính phủ giao. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 263,45 tỉ USD, tăng 8,1% so năm 2018. Ðáng chú ý, không chỉ tăng về lượng, xuất khẩu năm 2019 còn có sự chuyển biến rõ rệt về chất. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đang tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô và tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu. Mặt khác, quy mô các mặt hàng xuất khẩu cũng được mở rộng. Năm 2011, chỉ có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD, con số này của năm 2019 đã là 32 mặt hàng, trong đó có tới tám mặt hàng xuất khẩu được hơn 5 tỉ USD và sáu mặt hàng khác hơn 10 tỉ USD, chiếm 92,86% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Một điểm sáng nổi bật khác là xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt. Những năm trước đây, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn nước ngoài luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn, nhưng nay đã bị khối doanh nghiệp trong nước hoàn toàn "qua mặt". Cụ thể, năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu khoảng 69,7 tỉ USD, tăng 15,9% so cùng kỳ năm trước và cao hơn cả mức tăng trưởng xuất khẩu chung cũng như của riêng khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 12,9%. Riêng trong năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã bứt phá, vượt hơn bốn lần so với tốc độ của khối FDI, qua đó đưa tỉ trọng xuất khẩu của khối nội lên 31,16% tổng kim ngạch (năm 2018 mới đạt 28,61%).
Cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu, những năm gần đây, công tác kiểm soát nhập khẩu cũng thực hiện khá tốt. Nhiều nhóm hàng cần hạn chế đã tăng trưởng chậm lại, tập trung nhập khẩu những mặt hàng cần thiết cho sản xuất tiêu dùng trong nước hoặc phục vụ gia công, xuất khẩu. Theo đó, nhập khẩu của nhóm hàng phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu chiếm gần 90% tổng kim ngạch; còn của nhóm hàng không khuyến khích chỉ còn chiếm 7,2%. Ðây chính là yếu tố quan trọng đưa cán cân thương mại của Việt Nam năm 2019 đạt mức xuất siêu kỷ lục 9,94 tỉ USD, góp phần tích cực vào cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Năm mới nhiều thách thức
Mặc dù đã có những bước chuyển tích cực, nhưng thực tế xuất khẩu của Việt Nam cũng đang gặp không ít thách thức. Trước hết về nội tại, một số ngành hàng trước đây vốn là động lực chính cho xuất khẩu như: sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học, nhất là điện thoại di động, đã không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Một lĩnh vực xuất khẩu chủ lực khác là hàng nông sản cũng bị sụt giảm do gặp khó khăn về thị trường và giá bán. Các cơ quan quản lý nhà nước đã nỗ lực đàm phán để các nước nhập khẩu cắt giảm thuế cho hàng nông sản Việt Nam, nhưng việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế. Do đó, nhiều mặt hàng nông sản của nước ta cho dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0%, nhưng vẫn chưa được phép xuất khẩu vào một số thị trường.
Bên cạnh đó, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc đang tăng mạnh và trước nguy cơ leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc càng làm gia tăng lo ngại hiện tượng hàng hóa nước bạn "mượn đường" Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, tái xuất đi Mỹ. Trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng đang tăng mạnh trong thời gian qua, cùng với thâm hụt thương mại giữa hai bên, khả năng phía Mỹ có thể kéo tăng cường kiểm soát nhập khẩu từ nước ta. Không chỉ đối với thị trường Mỹ, nhìn chung hàng hóa Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn do không ít nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới trong phòng vệ thương mại như chống gian lận xuất xứ thay vì áp dụng các hàng rào kỹ thuật như áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại,... Những điều này đòi hỏi khẩn trương nghiên cứu, thay đổi trong cách tiếp cận để kịp thời có các giải pháp điều chỉnh hợp lý.
Trước những thách thức cả cũ và mới, để bảo đảm xuất khẩu tiếp tục giữ đà tăng trưởng bền vững, phấn đấu cán mốc 300 tỉ USD trong năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trước mắt, Bộ sẽ phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, khơi thông thị trường. Triển khai các biện pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ, kết nối hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Mặt khác, đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, có tiềm năng. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trong nước nhằm tạo cơ hội kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên phụ liệu với các doanh nghiệp sử dụng các hàng hóa này. Cùng với đó, tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, nhất là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc để chủ động công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu, tăng cường quản lý chặt chẽ nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.
Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông, thủy sản giảm 4,5%; nhóm nguyên liệu và khai khoáng giảm 9,7% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10% so cùng kỳ năm 2018. Tỉ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng chiếm tới 84,33% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,87% của năm 2018 và 81% của năm 2017. (Nguồn: Bộ Công thương) |