Dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc đang tàn phá chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành 'đại dịch kinh tế' đáng sợ nhất . |
"Covid-19 có thể chưa gọi là đại dịch sức khoẻ nhưng là đại dịch kinh tế", bà Diane Swonk, chuyên gia kinh tế trưởng tại Grant Thornton đánh giá.
Dịch Covid-19 diễn biến khó lường
Hàn Quốc là một trong những công xưởng lớn của thế giới với ngành công nghiệp sản xuất ô tô, điện tử và máy móc quy mô rất lớn, đã ghi nhận hơn 830 ca bệnh do virus Covid-19. Nhật Bản – là ổ dịch Covid-19 lớn thứ ba thế giới sau khi bùng phát từ tàu Diamond Princes, vừa phát hiện hàng trăm người nhiễm bệnh mới.
Sau khi Đức xác định có 16 ca nhiễm corona, thì cả châu Âu lại tiếp tục hoang mang khi dịch bệnh bùng phát ở Italy với gần 220 người nhiễm Covid-19 và có 5 người tử vong. Các quan chức nước này đã phải đóng cửa các tòa nhà công cộng, trường học và các sự kiện thể thao ở một số khu vực phía bắc công nghiệp của Italy.
Hiện nay, 4 trong số 12 nền kinh tế hàng đầu thế giới – đóng góp khoảng 27% GDP toàn cầu - đang nỗ lực để ngăn chặn virus Covid-19. Sự gia tăng đột biến số người nhiễm Covid-19 bên ngoài Trung Quốc báo hiệu một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh nguy hiểm chết người, cũng là mối rủi ro lớn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp hi vọng Trung Quốc sẽ nỗ lực để kìm hãm sự lây lan nhanh chóng của virus Covid-19. Nếu các nhà máy của Trung Quốc có thể nhanh chóng khởi động lại sản xuất sau khi ngừng hoạt động kéo dài, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ có cơ hội trở lại bình thường trong quý 2/2020.
"Theo kịch bản đó, tăng trưởng toàn cầu trong năm nay sẽ chỉ thấp hơn 0,1% so với dự kiến", bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết.
Tuy nhiên, đại diện IMF cảnh báo về khả năng diễn ra "các kịch bản thảm khốc hơn" khi dịch COVID-19 bùng phát "dai dẳng và lan rộng hơn".
Thiệt hại kinh tế khổng lồ
Giới đầu tư từng nghĩ thị trường chứng khoán toàn cầu sớm thoát mối đe dọa từ dịch Covid-19, thế nhưng, nguy cơ ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh vẫn rình rập như một 'cú đánh' vào nền kinh tế toàn cầu.
Số ca nhiễm Covid-19 được cập nhật với xu hướng tăng mạnh ở Italy và Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 8 và 12 của thế giới, đã tác động mạnh tới giới đầu tư chứng khoán. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc sụt giảm gần 5,6% trong 5 ngày qua, xuống còn 2.062,21 điểm sáng ngày 27/2, trở thành những ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2018. Đặc biệt, cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô Huyndai Motor lao dốc mạnh mất tới 11,7% so với ngày 13/2/2020.
Tại Italy, thị trường chứng khoán đã giảm hơn 5%. Chỉ số Dow mất 1.031 điểm, tương đương 3,6%.
Nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ đã sụt giảm mạnh khi các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa, vẫn chưa hoạt động trở lại. Điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong quý đầu tiên, khiến thương mại và tăng trưởng toàn cầu chậm. Sự lây lan của virus được cho là nguyên nhân làm tăng nguy cơ suy thoái tại các nền kinh tế Đức, Italy và Nhật Bản.
Các nhà máy Trung Quốc vẫn đóng cửa, chưa hoạt động trở lại. |
"Khi virus bị giới hạn ở Trung Quốc và các quốc gia lân cận, nó được coi là vấn đề kinh tế đối với châu Á. Sự lây lan của virus sang Italy đang khiến điều này trở thành vấn đề của châu Âu và có thể là vấn đề toàn cầu, có thể làm đảo lộn chuỗi cung ứng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới", ông Kevin Giddis, chiến lược gia trưởng tại Raymond James nói.
Kinh tế của Italy đã giảm 0,3% trong ba tháng cuối năm 2019 so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia thậm chí còn dự báo kinh tế Italy sẽ rơi vào suy thoái ngay từ đầu năm 2020, trước cả khi có dịch Covid-19 bùng phát.
Phần lớn các trường hợp bị nhiễm Covid-19 ở Italy xuất hiện ở khu vực phía bắc Bologna, nơi có trung tâm tài chính của Milan. Torino, quê hương của hãng xe Fiat Chrysler nằm ở phía tây Milan. Hãng xe siêu sang Ferrari nằm ở phía đông nam. Milan cũng là thủ phủ của nhiều nhà sản xuất hàng hoá xa xỉ và thành phố này cũng vừa tổ chức tuần lễ thời trang hàng năm. Lúc này, các quan chức vẫn chưa xác định được người mang virus đầu tiên ở Italy, và hiện có khoảng 100.000 người ở nước này đang bị cách ly theo dõi.
Dịch Covid-19 làm gia tăng nguy cơ suy thoái ở các quốc gia khác. Nhật Bản đã báo cáo 840 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 691 người từ tàu du lịch Diamond Princess. Kinh tế Nhật đã giảm 1,6% trong quý 4/2019 do chịu ảnh hưởng tiêu cực của việc Chính phủ tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào đầu tháng 10/2019 và cơn bão mạnh vừa qua. Mức giảm mạnh nhất trước đó của nền kinh tế Nhật Bản là 7,4% vào năm 2014 cũng xảy ra sau khi chính phủ nước này tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8%. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này lần đầu tiên có mức tăng trưởng âm trong 5 quý gần đây.
Dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura trên BBC cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã sẵn sàng thực hiện tất cả các bước cần thiết để đối phó với tác động của sự bùng phát Covid-19 đối với nền kinh tế và du lịch. Thủ tướng Shinzo Abe đã phê duyệt khoản chi 120 tỉ USD vào tháng 12/2019 nhằm giảm bớt tác động của việc tăng thuế bán hàng.
Đức, nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu và đứng thứ 4 trên thế giới, đang tăng trưởng chậm lại trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Hàng loạt nhà máy ở Đức đang gặp khó khăn. Các công ty Đức chủ yếu dựa vào thị trường tiêu thụ xe hơi và hàng hoá khác tại Trung Quốc.
Trong khi đó, nền kinh tế Hàn Quốc đang chịu "tổn thương" khi dịch bệnh trở nên khó kiểm soát bởi Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của xứ kim chi. Các chuyên gia dự báo kim ngạch xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng vì sự bùng phát dịch ở Trung Quốc. Đặc biệt, các nhà sản xuất thiết bị điện, ô tô của Hàn Quốc đang đau đầu do thiếu nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Đơn cử, các nhà máy của Huyndai tại Hàn Quốc buộc phải ngừng sản xuất vì thiếu phụ tùng. Nhu cầu tiêu dùng cũng sụt giảm do người dân ở nhà để tránh dịch bệnh, nhất là khi Tổng thống Hàn Quốc xác nhận tình hình dịch COVID-19 "rất nghiêm trọng" với gần 1.000 ca nhiễm.
Các nhà sản xuất thiết bị điện, ô tô của Hàn Quốc đang đau đầu do thiếu nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. |
Mối lo ngại toàn cầu
Một loạt các công ty lớn như Apple… cho biết khó đạt các mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trong quý 1/2020.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cảnh báo dịch Covid-19 có thể khiến các hãng vận tải toàn cầu mất gần 30 tỉ USD doanh thu. Nhu cầu sử dụng dịch vụ hàng không trên toàn cầu sẽ giảm 4,7% và là mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.
Tuy nhiên, ước tính của IATA dựa trên những gì đã xảy với đại dịch SARS vào năm 2003. Khi đó SARS gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng tới các hãng hàng không trong một vài tháng, và sau đó phục hồi nhanh chóng.
"Chúng tôi chưa biết chính xác dịch Covid-19 sẽ bùng phát như thế nào và liệu nó có giống như những gì đã xảy ra với SARS hay không", đại diện IATA cho biết.
Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã sử dụng nhiều biện pháp để chống lại suy thoái kinh tế. Mức nợ công toàn cầu chưa bao giờ lớn đến thế.
Bà Diane Swonk, chuyên gia kinh tế trưởng tại Grant Thornton, cho biết nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phải cắt giảm lãi suất vào đầu tháng tới để ứng phó với dịch Covid-19. Do đó, chuyên gia IMF Diane Swonk cho rằng Covid-19 có thể chưa được gọi là đại dịch sức khỏe nhưng nó là đại dịch kinh tế.