Dịch Covid-19 'thổi bay' 720 tỉ USD vốn hoá chứng khoán Trung Quốc, Việt Nam dính 'sang chấn'

Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế Trung Quốc, phản ứng thấy rõ là thị trường chứng khoán lập tức bị "thổi bay" hơn 720 tỉ USD vốn hoá. Chính phủ nước này lập tức tung ra gói kích thích kinh tế, bơm tiền... nhằm hạn chế thiệt hại.
Kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán MỹThị trường chứng khoán 'phản ứng hơi thái quá' với dịch cúm coronaThế giới sẽ thay đổi ra sao trong năm Canh Tý 2020?
Sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán Trung Quốc kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát khiến hơn 70.000 người mắc bệnh.

Dịch Covid-19 "nhấn chìm" chứng khoán Trung Quốc

Trước khi dịch bệnh đường đột "ghé thăm", nền kinh tế Trung Quốc đã phải đau đầu với tình trạng phát triển chậm lại, nợ công tăng lên, tiêu thụ nội địa chững lại, và sức ép nặng nề từ chính sách thuế quan của Mỹ. Năm 2019 cũng là năm ghi nhận tỉ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc ở mức thấp nhất từ trước tới nay, chỉ tăng 6,1%.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan nhanh khó kiểm soát, nước này đã không kịp trở tay, từ đó kéo theo sự sụt giảm như một chuỗi "domino" tại nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới và những quốc gia có quan hệ thương mại gắn chặt với Trung Quốc.

Trong bài phát biểu trước báo giới quốc tế mới đây, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva cho biết, một trong những yếu tố được lấy ra để so sánh mức độ tác động của dịch Covid-19 chính là dựa trên quy mô nền kinh tế Trung Quốc. Theo đó, bà Kristalina Georgieva dẫn ra số liệu, năm 2002-2003, kinh tế Trung Quốc chỉ chiếm 8% kinh tế toàn cầu vào thời điểm bùng phát dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Tuy nhiên, tới dịch Covid-19 lần này, con số này hiện nay đã lên đến 19%. Đồng nghĩa với việc, kinh tế Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu.

Lãnh đạo IMF cho biết thêm, dịch bệnh Covid-19 có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 0,1-0,2% trong năm 2020. Sai số phụ thuộc vào mức độ dịch bệnh được kiềm chế nhanh chóng ra sao. Và hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động đầy đủ của dịch bệnh.

Riêng với Trung Quốc – là "tâm dịch" nguy hiểm khiến 76.291 người mắc bệnh và cướp đi sinh mạng của 2.345 người (tính đến ngày 22/2/2020)- đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nguồn thu sụt giảm, mất việc làm gia tăng... Hàn thử biểu đo lường sức khoẻ nền kinh tế là thị trường chứng khoán đã "thấm bão" khi vốn hoá thị trường đã bốc hơi hơn 750 tỉ USD chỉ trong thời gian ngắn. Một con số thực sự đáng buồn.

Chính phủ Trung Quốc đã lập tức tăng cường các chính sách tiền tệ và tài chính để ổn định phát triển. Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hạ tỉ lệ yêu cầu dự trữ bắt buộc và giảm lãi suất cho vay với khách hàng, bơm ra 1.200 tỉ nhân dân tệ (tương đương 173 tỉ USD) trong ngày 3/2, đánh dấu ngày bơm tiền khủng nhất kể từ năm 2004. Nguồn vốn được đẩy tới cho các doanh nghiệp nhỏ... nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế. Nhờ đó, thị trường chứng khoán nhanh chóng hồi phục tích cực.

Các chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn là Shanghai Composite Index và Shenzhen CSI 300 Index hồi phục tăng điểm trở lại khoảng 10% kể từ khi thị trường mở cửa trở lại sau Tết hôm 3/2/2020. Đến ngày 21/2, chỉ số Shanghai Composite đã trở về mức 3.039,67 điểm, còn chỉ số CSI tăng lên 4.149,49 điểm, tăng gần 144 điểm trong 1 tuần qua.

Ngạc nhiên nhất là chỉ số ChiNext (gồm các cổ phiếu vốn hóa nhỏ của các hãng công nghệ nhỏ ở Thâm Quyến) tăng vọt lên mức 2.226,64 điểm, xác lập đỉnh kỉ lục trong 3 năm qua.

Chính phủ Trung Quốc tăng cường các chính sách tiền tệ và tài chính để ổn định kinh tế. Ảnh: Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải.

Ngay thời điểm công bố dịch Covid-19, Trung Quốc đã quyết định ký thoả thuận thương mại với Mỹ và bơm 115 tỉ USD để phục hồi nền kinh tế. Động thái này nhận được sự hoan nghênh của IFM, là lựa chọn cần thiết để "xoa dịu" những căng thẳng thương mại leo thang giữa hai cường quốc lớn.

Trung Quốc sẽ không có lựa chọn khác. Hàng triệu doanh nghiệp, nhà đầu tư chứng khoán của nước này cũng khó có thể chống chọi trong "bão Covid-19" hoành hành dữ dội, dự báo sẽ kéo dài lâu hơn. Thực tế, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc như Trip.com (mã cổ phiếu: Ctrip) đã chịu thiệt hại rất lớn do dịch bệnh, khiến cổ phiếu Ctrip mất 6,9% thị giá trong ngày 24/1 và mất tổng cộng khoảng 18% giá trị vốn hóa trong tuần từ 20/1 – 26/1/2020.

Hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc là China Eastern đã mất 1,4% giá trị cổ phiếu trong ngày 24/1, chạm sàn thấp nhất tính từ tháng 10. Công ty quản lý chuỗi khách sạn Huazhu cũng đã mất 18% giá trị vốn hóa trong tuần qua và giảm 2,5% trong ngày 24/1.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng khiến cổ phiếu ngành bán lẻ nước này điêu đứng vì lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh do người dân hạn chế đi lại, không ra ngoài tụ tập... Cổ phiếu của chuỗi cà phê Luckin (đối thủ của Starbucks) bị "thổi bay" 8,6% chỉ trong phiên giao dịch ngày 24/1.

Hơn nữa, Trung Quốc cho phép chính quyền các địa phương huy động 848 tỉ nhân dân tệ (121 tỉ USD) qua vay nợ trước tháng 3 này. Trung Quốc cho biết sẽ đưa ra các biện pháp kích thích hiệu quả hơn nữa như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Số ca tử vong tại Trung Quốc tính đến ngày 19/2/2020. (Nguồn: Tuổi trẻ)

"Sang chấn" cho thị trường chứng khoán Việt

Mặc dù duy trì sự tăng trưởng tích cực giai đoạn trước Tết, vượt mốc 1.000 điểm nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, chỉ số VN-Index bất ngờ giảm mạnh, có thời điểm thủng mốc 928 điểm do thị trường hoảng loạn, bán tháo mạnh. Ảnh hưởng của dịch bệnh đã cuốn bay thành quả mà VN-Index đạt được trong năm 2019. Từ ngày 22/1 đến 12/2, chỉ số VN-Index đã mất tới 5,4% khi tình hình dịch bệnh lan rộng với số người mắc tăng theo cấp số nhân, số ca tử vong lên tới hàng nghìn người, vượt xa con số tử vong của dịch SARS năm 2003.

Khi Việt Nam triển khai khẩn trương các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa lây lan dịch, chữa khỏi bệnh cho 16 ca nhiễm, thị trường chứng khoán đã ổn định, giao dịch tích cực trở lại. Song sự sụt giảm của VN-Index có lẽ sẽ cần thời gian dài để lấy lại những gì đã mất.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt nhóm du lịch, hàng không, xuất khẩu đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu, khách sạn... chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, khiến cổ phiếu bị bán tháo mạnh. Hai mã VJC, HVN... đã có những phiên giảm sàn liên tiếp, hay VIC, CEO, FLC cũng bị bán mạnh, giá giảm sâu.

Những diễn biến này đã phản ánh phần nào mức độ kỳ vọng thấp hơn vào sự tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp khi hoạt động giao thương quốc tế bị hạn chế, nguồn cung nguyên liệu gặp khó, tiêu thụ ế ẩm... Mọi biến động từ thị trường trọng điểm là Trung Quốc có ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi sản xuất, kinh doanh phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam.

Có thể thấy, những ngành, lĩnh vực chịu tác động lớn nhất từ dịch bệnh gồm: du lịch, thương mại, tiêu dùng, vận tải, và đặc biệt là ngành Hàng không. Những ảnh hưởng trên đều bắt nguồn từ việc sụt giảm khách du lịch từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, hiện là 3 quốc gia dẫn đầu về số ca bệnh Covid-19.

Trước những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 từ Trung Quốc đối với nền kinh tế nói chung cũng như thị trường chứng khoán nói riêng, Bộ KH&ĐT đã đưa ra hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Một là, trường hợp khống chế được dịch trong quý 1/2020 thì tăng trưởng của Việt Nam dự báo là 6,25% giảm 0,55 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó quý 1 tăng 4,52%; quý 2 tăng 6,08%; quý 3 tăng 6,92% và quý 4 tăng 6,81%.

Hai là nếu dịch được khống chế trong quý 2/2020 thì tăng trưởng kinh tế dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý 1/2020, trong đó quý 1 tăng 4,52%; quý 2 tăng 5,1%; quý 3 tăng 6,70% và quý 4 tăng 6,81%.

Mặc dù những dự báo đưa ra khá lạc quan đối với nền kinh tế Việt Nam, song điều cần thiết lúc này những giải pháp hỗ trợ tăng trưởng từ Nhà nước. Các doanh nghiệp phải sớm ổn định sản xuất, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp, tìm kiếm, mở rộng thị trường... để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Theo Bình Minh/ Tin Nhanh Online