Lượng khí thải CO2 của Trung Quốc giảm trong 2 tuần gần đây. (Ảnh minh họa) |
Dịch Covid-19 bùng phát đã làm giảm nhu cầu năng lượng và sản lượng công nghiệp ở Trung Quốc. Hoạt động sản xuất ở nước này đình trệ, kéo theo nhu cầu về than đá và dầu mỏ giảm tại quốc gia này làm giảm khoảng 100 triệu tấn CO2. Con số này tương đương với 6% lượng khí thải toàn cầu trong cùng thời gian này năm 2019.
Theo đó, trong hai tuần qua, lượng phát điện hằng ngày của các nhà máy chạy bằng than đá đã ở mức thấp nhất trong 4 năm, trong khi sản xuất thép giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.Trong giai đoạn cùng kỳ năm 2019, Trung Quốc đã thải ra 400 triệu tấn khí thải cardon dioxide (CO2), con số này trong năm nay có thể đạt gần 300 triệu tấn.
Lượng khí thải CO2 giảm phần lớn là do sản lượng thấp từ các nhà máy lọc dầu và việc sử dụng ít than hơn cho việc sản xuất điện và sản xuất thép, trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát dịch Covid-19.
Một nghiên cứu mới công bố ngày 18/2 cho thấy, mặc dù năng suất sản xuất của Trung Quốc giảm thì lượng khí thải CO2 của quốc gia này vẫn có thể tăng do gói kích thích đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ sẽ đặt ra yêu cầu nước này tiếp tục sử dụng than, tăng cường sử dụng xi măng và thép.
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay, dịch bệnh lan rộng tại nhiều thành phố của Trung Quốc. 30 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.
Đến sáng ngày 20/2/2020, trên thế giới có 75.735 người mắc, 2.128 người tử vong. Riêng ở Trung Quốc, dịch Covid-19 đã lây lan ở 31 tỉnh/thành phố của nước này với 74.578 người mắc, 2.118 người tử vong.