Nước là chủ đề xuyên suốt từ các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến các mục tiêu chống biến đổi khí hậu nêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Quyền tiếp cận sử dụng nước chính là một quyền cơ bản của con người.
Năm nay, Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 10 (WWC-10), dự kiến diễn ra từ ngày 18-23/5/2024. Trước những thách thức lớn đe dọa nguồn nước hiện nay, WWC-10 được kỳ vọng trở thành động lực và cơ hội thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng nguồn nước sạch cho quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này.
Theo kế hoạch, Chương trình nghị sự của WWC-10 tập trung nỗ lực tiết kiệm nước, cung cấp nước sạch và vệ sinh, an ninh lương thực và năng lượng, giảm thiểu thiên tai như lũ lụt, hạn hán.
Với tư cách là nước chủ nhà, Indonesia chủ trương tận dụng động lực này để tìm kiếm cơ hội hợp tác nhằm cải thiện các dịch vụ nước sạch trên cả nước. Indonesia sẽ chủ trì WWC-10, từ ngày 18-23/5/2024, với chủ đề “Nước vì sự thịnh vượng chung”, góp phần ứng phó với các thách thức do sự gia tăng dân số và tình trạng đô thị hóa.
Theo Cố vấn về tài nguyên nước của Bộ trưởng Công trình công cộng và nhà ở Indonesia Firdaus Ali, phạm vi dịch vụ nước máy tại Indonesia chỉ vào khoảng 21,69%. So với tổng dân số 267 triệu người, lĩnh vực quản lý tài nguyên nước vẫn còn nhiều khoảng trống để khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển.
Việc đáp ứng nhu cầu về nước sạch và nước uống thực sự trở thành vấn đề nan giải chưa được giải quyết ở Indonesia do cơ sở hạ tầng chưa đủ để kịp xử lý nước uống và thiết lập đường ống dẫn nước sạch trên phạm vi lớn.
Các địa phương vẫn còn sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt và nước uống đóng chai đã trở thành một thói quen phụ thuộc của người dân thủ đô.
Cơ quan thống kê trung ương Indonesia cho biết trong năm 2022, mức độ bao phủ của dịch vụ nước sạch tại thủ đô nước này chỉ đạt 65,85%, trên tổng dân số Jakarta là hơn 10,6 triệu người.
Theo Kế hoạch phát triển quốc gia trung hạn 2020-2024, Indonesia đặt mục tiêu đưa 10 triệu liên kết đường ống dẫn nước sạch đến các hộ gia đình. Để làm được điều này, dự tính cần 123.400 tỷ rupiah (hơn 8 tỷ USD).
Trong khi đó, dự kiến ngân sách nhà nước giai đoạn 2020-2024 chỉ có thể đáp ứng 17% (tương đương khoảng 21.000 tỷ rupiah), 13% từ ngân sách địa phương và 70% còn lại cần kêu gọi đầu tư từ các nguồn khác nhau.
Cũng tại hội thảo trên, Chủ tịch Hội đồng nước thế giới Loic Fauchon nhấn mạnh vấn đề chính liên quan đến nước mà các nước Đông Nam Á gặp phải hiện nay là số lượng nguồn nước lớn, nhưng không được quản lý tốt. Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số ồ ạt cũng là một thách thức đối với việc đáp ứng nhu cầu về nước sạch, do đó WWC-10 sẽ là nơi tạo nên động lực thúc đẩy tăng cường hợp tác để quản lý nguồn nước toàn cầu.
Được biết, Diễn đàn nước thế giới, sự kiện quốc tế lớn nhất về nước và các vấn đề liên quan diễn ra 3 năm một lần, lần đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia ở vùng hạ Sahara châu Phi, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng thiếu nước.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, năm 2020, hơn 2 tỷ người trên thế giới sinh sống trong điều kiện không đủ nước uống trong nhà, 771 triệu người phải di chuyển quãng đường ít nhất 30 phút xa nhà để có nguồn nước sạch và hơn 100 triệu người đang sử dụng nguồn nước uống trực tiếp chưa qua xử lý, nước chất lượng không đảm bảo.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương-Nông Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết có khoảng 2,3 tỷ người hiện đang sống ở các quốc gia nguy cơ thiếu nước thường trực, với hơn 733 triệu người (10% dân số thế giới) sống ở các nước có nguy cơ ở mức cao và đặc biệt cao. Dân số thế giới tăng, nhu cầu sử dụng nước nhiều hơn dẫn tới tình trạng khan hiếm nước và các xung đột vì tranh chấp nguồn nước.
Do đó, một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc là cải thiện chất lượng nước và giảm thiểu ô nhiễm, loại bỏ việc đưa các chất hóa học và vật liệu độc hại ra môi trường, giảm một nửa tỷ lệ nước thải chưa được xử lý và tăng cường tái chế và tái sử dụng an toàn trên toàn cầu. Đồng thời, đảm bảo cung cấp nước sạch đến những vùng khan hiếm nước và giảm đáng kể số người thiếu nước sử dụng.
Thế giới đã có những bước tiến nhất định hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền được có nước sạch và vệ sinh môi trường cho tất cả mọi người (Mục tiêu phát triển bền vững số 6 của Liên Hợp Quốc).
Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) là mục tiêu phổ quát được đưa ra nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc (LHQ).
Theo đó, SDG 6 toàn cầu là “Clean water and sanitation”, SDG 6 Việt Nam khá tương đồng: “Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người”.
Lan Anh