Điều tra địa chất khoáng sản biển - Biến tiềm năng thành động năng

Nhằm góp phần thực hiện thành công Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển, những năm qua, Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đẩy mạnh công tác điều tra địa chất, khoáng sản biển.
Nỗ lực phát triển kinh tế biển xanhNguồn lợi từ biển bị đe dọa nghiêm trọng vì ô nhiễmKinh tế biển Việt Nam: Tiềm năng và thách thức

Phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với lợi thế tiềm năng

Mặc dù, có tiềm năng lớn, nhưng đến nay, phát triển kinh tế biển nước ta chưa tương xứng với lợi thế tiềm năng; phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hoà với bảo vệ môi trường; tài nguyên biển chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển.

Công tác nghiên cứu về biển nói chung và điều tra địa chất khoáng sản biển nói riêng còn rất hạn chế, mới tập trung chủ yếu ở vùng biển nông ven bờ, ở tỉ lệ nhỏ và trung bình, độ chính xác chưa cao và chưa có các kiểm chứng kết quả điều tra, dự báo về khoáng sản. Số lượng dữ liệu thu được rất lớn, song chưa được quản lý thống nhất, chưa thành lập được bộ cơ sở dữ liệu địa chất khoáng sản đồng bộ từ đất liền ra biển, để phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, cũng như phục vụ các nhu cầu khác của xã hội.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, TS. Nguyễn Tiến Thành, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển cho biết: Nguyên nhân chủ yếu do đầu tư cho nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển còn hạn chế; đội ngũ nhân lực điều tra và nghiên cứu về địa chất, khoáng sản biển còn thiếu, đặc biệt là cán bộ có trình độ cao; hợp tác quốc tế trong điều tra nghiên cứu địa chất khoáng sản biển còn chưa mạnh.

Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển kiểm tra công tác điều tra địa chất biển vùng biển Hải Phòng.

Xuất phát từ vai trò sống còn của biển, nước ta cần dựa vào biển để xây dựng quốc gia phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn; kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường phù hợp với quy luật tự nhiên của biển, đảo; bảo đảm cân bằng sinh thái và hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, liên kết và hỗ trợ giữa các vùng nội địa đất liền, vùng ven bờ, biển và đại dương; mở rộng không gian sinh tồn của dân tộc ra biển.

Theo TS. Nguyễn Tiến Thành, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, quyết sách về phát triển kinh tế biển liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản, nổi bật như: Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đặc biệt ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Ưu tiên tập trung đẩy mạnh điều tra địa chất khoáng sản biển

Trong giai đoạn tới, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả điều tra địa chất khoáng sản biển để hiểu biết đầy đủ, đánh giá, dự báo tin cậy tiềm năng địa chất, khoáng sản biển, phục vụ phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn dựa vào biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, thích ứng hiệu quả với biến đổi khu vực và toàn cầu là lĩnh vực cần ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện.

Nhằm góp phần thực hiện thành công các chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển đề xuất điều tra, nghiên cứu tài nguyên môi trường biển nói chung và địa chất khoáng sản biển nói riêng nhằm tăng cường hiểu biết về biển, phục vụ phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn dựa vào biển; tạo nền tảng cơ sở tiến hành các công tác điều tra chuyên ngành phục vụ phát triển các ngành kinh tế biển theo Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển.

Về điều tra địa chất khoáng sản biển phục vụ phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, TS. Nguyễn Tiến Thành đề nghị, sớm triển khai điều tra tổng thể về cảnh quan địa chất, di sản địa chất, tiến đến xác lập các công viên địa chất biển, ven biển; tạo cơ sở phát triển du lịch và dịch vụ biển.

“Đầu tư điều tra, đánh giá triển vọng quặng sắt - mangan vùng biển sâu; điều tra đánh giá làm rõ tiềm năng sa khoáng, khoáng sản vật liệu xây dựng vùng biển nông Việt Nam, tiến đến khai thác, sử dụng cát sỏi đáy biển làm vật liệu xây dựng như nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã thực hiện”, TS. Nguyễn Tiến Thành đề xuất.

Theo TS. Nguyễn Tiến Thành, để phục vụ quy hoạch, xây dựng, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển, cần điều tra cơ bản địa chất khoáng sản, địa chất môi trường, địa chất tai biến tỉ lệ 1:100.000; đánh giá sức chịu tải, khả năng chống chịu của đới ven biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng; điều tra hiện trạng môi trường phóng xạ biển; ô nhiễm rác thải nhựa biển...

“Song song với việc đẩy mạnh điều tra cơ bản, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy định kỹ thuật, kinh tế đồng bộ, chất lượng, phù hợp với thông lệ quốc tế về công tác điều tra, đánh giá địa chất khoáng sản biển, đặc biệt ở vùng biển sâu. Xây dựng, cập nhật hệ thống sơ sở dữ liệu cơ bản về địa chất, khoáng sản biển đáp ứng nhu cầu cho đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều địa phương tham khảo phục vụ công cuộc phát triển kinh tế biển của đất nước”. TS. Nguyễn Tiến Thành - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển
Mai Đan
Theo Báo TN&MT