'Đổi giấy lấy cây' - Lan tỏa lối sống xanh

Với mong muốn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của những người trẻ. Nhóm sinh viên của CLB Green Life vừa tổ chức hoạt động đổi giấy lấy cây.
Nữ tổ trưởng tận tâmNhiều bạn trẻ ở Đà Nẵng thích thú đem pin, giấy cũ đổi lấy cây xanhĐổi giấy lấy cây tại ngày hội du lịch xanh

“Đổi giấy lấy cây” là một dự án về môi trường do các bạn học sinh, sinh viên đang sinh sống, học tập trên địa bàn Thủ đô xây dựng từ tháng 12/2018, gọi là nhóm Green Life. Hàng tháng, nhóm sẽ tổ chức đổi giấy, các loại rác tái chế để lấy cây hoặc một số sản phẩm xanh.

doi giay lay cay lan toa loi song xanh
Đổi giấy được nhận về một chậu cây xanh

Từ việc thu gom sách vở đã qua sử dụng, giấy báo cũ, vỏ hộp sữa đến pin cũ, đồ điện tử cũ, hỏng. Tất cả đều được các bạn tiếp nhận một cách vui vẻ và sau đó quy đổi ra sao. Cứ 3 kg giấy cũ là được 1 sao, các loại giấy bìa 5kg quy đổi ra 1 sao, 10 cục pin cũ cũng được nhận 1 sao.

Sau đó, mọi người sẽ thoải mái chọn cây xanh, được xếp hạng từ 1 đến 10 sao, thậm chí có cây đẹp được định giá 15 sao. Nếu không đủ số sao, người đổi cây có thể trả bằng tiền, được quy đổi 10.000 đồng bằng 1 sao.

doi giay lay cay lan toa loi song xanh
Mọi người chỉ cần mang giấy, bìa cũ đã qua sử dụng đến cân và quy đổi ra các chậu cây cảnh khác nhau

Chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, bạn Hoàng Quý Bình – Người sáng lập CLB Greenlife cho biết, xuất phát từ thực tế trong quá trình học tập tại trường, lượng giấy tài liệu, chai lọ cũng như số lượng pin thiết bị điện tử được sử dụng rất nhiều. Những thứ đó khi thải ra môi trường rất có hại, đặc biệt là pin điện tử, nếu có thể tái chế sẽ góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường. Từ đó, dự án đổi giấy lấy cây ra đời. Sau hơn 9 tháng hoạt động, bên mình đã trao đi hơn 40.000 cây xanh đến với mọi người.

Sau mỗi sự kiện đổi giấy lấy cây sẽ thu được khoảng 5 tấn phế liệu để tái chế, gần 30kg pin, thiết bị điện tử hỏng. Với số lượng pin, thiết bị điện tử hỏng sẽ gửi cho các điểm thu gom để tái chế. Chai lọ sẽ được giữ lại một phần để tái chế thành lọ trồng cây, còn lại sẽ được gửi về nhà máy xử lý.

Các loại sách hay truyện sẽ được nhóm xây dựng tủ sách vùng cao. Trải qua 9 tháng hoạt động, Green Life đã xây dựng được gần 100 tủ sách ở các điểm trường. Vỏ hộp sữa sẽ được gửi về kho của Công ty Tetre Pak Việt Nam để xử lý, tái chế thành các sản phẩm như tôn sinh học, bìa, sổ.

doi giay lay cay lan toa loi song xanh
Sự kiện thu hút rất nhiều người đến tham gia, đặc biệt là học sinh, sinh viên

Đến tham dự sự kiện, chị Nguyễn Mai Anh (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Đây là một hoạt động thiết thực có ý nghĩa. Thông qua hoạt động này, các con sẽ có nhận thức về môi trường và học được cách bảo vệ môi trường. Ví dụ như khi các con uống sữa, các con sẽ có suy nghĩ cần tiết kiệm vỏ hộp sữa để mang đi đổi cây chứ không thải rác ra môi trường”.

Hoạt động “đổi giấy lấy cây” không chỉ góp phần nâng cao giá trị của những sản phẩm đã qua sử dụng mà còn góp phần thay đổi thói quen, nhận thức về các vấn đề liên quan đến môi trường hiện nay, từ đó sẽ hình thành những thói quen, lối sống tích cực trong việc bảo vệ môi trường.

Theo (Hoàng Ngân/TN&MT)