Đói vốn, hàng trăm dự án nhà ở xã hội ách tắc

Do nguồn lực vốn đầu tư còn rất hạn chế, nhất là sau khi gói tín dụng 30 nghìn tỷ đóng lại, hàng trăm dự án nhà ở xã hội rơi vào tình cảnh “bỏ thương, vương tội”.
doi von hang tram du an nha o xa hoi ach tac
Nhu cầu về nhà ở xã hội tăng nhanh song nguồn cung dự án rất ít

Báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 7, khai mạc sáng 20/5 tới đây đã đề cập tới thực trạng khó khăn của việc phát triển nhà ở xã hội.

Đến hạn, cả nước đã hoàn thành 198 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng hơn 81.700 căn, tổng diện tích hơn 4.085.000 m2. Trong đó, có 226 dự án đang tiếp tục triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, với tổng diện tích khoảng 9.111.000 m2.

Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thành 100 dự án với khoảng 41.000 căn nhà ở xã hội dành cho công nhân các khu công nghiệp. Trong chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung, tính đến tháng 2/2019 đã hỗ trợ được 17.097 hộ.

Theo phân tích, thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, bán giá cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị. Phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70% – 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay đang mất cân đối. Nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung cao cấp giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên chỉ chiếm từ 20-30% thị trường tập trung ở các đô thị lớn, các đô thị còn lại tỷ lệ này còn nhỏ hơn.

Bộ Xây dựng cho biết, theo Nghị Quyết 1023/NQ-UBTVQH13 chương trình hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội không thuộc danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương, vì vậy việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn.

Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết từ cuối tháng 12/2016, việc triển khai chương trình nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và nghị định số 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã bị ách tắc. Do không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay nên hầu hết các dự án nhà ở xã hội đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công… khiến cho thị trường thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng.

Ngoài ra, có rất nhiều khó khăn phải đối mặt như: các quy định của pháp luật về đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở xã hội ngày càng mở rộng, trong khi nguồn lực về vốn còn rất hạn chế không đáp ứng được nhu cầu. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành đôi khi còn chưa chặt chẽ, có chính sách chưa được hướng dẫn triển khai kịp thời.

Việc cân đối nguồn vốn ngân sách, bố trí vốn về phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng kiến nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, giá bán thấp. nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách phát triển nhà ở xã hội, chính sách nhà ở cho cán bộ công nhân viên theo tinh thần nghị quyết Trung ương 7 khoá 12, đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế cũng nằm trong các giải pháp được nêu tại báo cáo. Bộ cũng đề nghị Thủ tướng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vốn đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Quỳnh Oanh

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường