Bản đồ tâm chấn động đất. (Ảnh: Viện Vật lý Địa cầu) |
Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, vào hồi 1 giờ 18 phút 23 giây (giờ GMT) ngày 25/11/2019 tức 8 giờ 18 phút 23 giây (giờ Hà Nội), một trận động đất có độ lớn 5,4 xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.852 độ vĩ Bắc, 106.618 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 14 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cho biết hiện đơn vị này vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Cũng trong sáng 25/11, người dân các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, cảm nhận rung lắc lần này rõ hơn lần trước cách đây mấy ngày, nhiều người thấy rõ cốc nước để trên mặt bàn sóng sánh, một số người bị chóng mặt, đau đầu.
Hiện tượng rung lắc trên cũng xuất hiện ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Một số nguồn tin cho biết hiện tượng rung lắc mạnh trên diễn ra liên tiếp trong 2-3 lần, thậm chí gây lở đá.
Theo VOV, một số người dân ở huyện Gia Bình (Lạng Sơn) cũng cho biết, vào thời điểm đó những người sống trên nhà cao tầng cũng cảm nhận thấy rõ hiện tượng này, nhiều người sợ hãi chạy ra khỏi nhà. Một số trường học, học sinh cũng chạy ra khỏi lớp học.
Hầu hết các huyện tại tỉnh Cao Bằng cũng đều xảy ra rung lắc. Một số tỉnh như Lạng Sơn, Hải Dương... cũng ghi nhận có rung lắc.
Trước đó, lúc 6 giờ 50 phút sáng ngày 21/11, Viện Vật lý địa cầu xác định trận động đất mạnh 6,1 độ richter, độ sâu khoảng 38km, xảy ra tại tỉnh Sayabouly, Lào gây rung chấn cho khu vực xung quanh. Hà Nội cách xa tâm chấn khoảng 500km nên người dân sống trong một số tòa nhà cao tầng mới cảm nhận được.
Cần phải làm gì khi xảy ra động đất?
Theo các chyên gia, động đất là một thiên tai chưa thể dự báo trước được mà chỉ là cảnh báo. Trong lúc động đất nếu ở trong nhà chúng ta nên chui xuống gầm bàn, tìm góc phòng để đứng, tránh cửa kính, tránh xa những vật có thể rơi xuống. Mọi người nên che mặt và đầu bằng sách, báo để khỏi bị các mảnh vụn trúng. Nếu mất điện, dùng đèn pin, đừng dùng nến hay diêm vì chúng có thể gây hỏa hoạn. Mở radio để có thể nghe được những tin tức khẩn cấp.
Nếu trong các tòa nhà cao tầng, tuyệt đối không được dùng thang máy vì khi có động đất thì hay kèm theo mất điện và nếu dùng thang máy thì sẽ bị kẹt. Nên tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo. Nhanh chóng khóa gas, mở cửa sổ hoặc cửa ra vào.
Nghiên cứu cho thấy có khá nhiều người bị thương là do cố ra khỏi tòa nhà cao tầng ngay lập tức hoặc chạy sang các chỗ khác cùng tòa nhà. Hầu hết thương vong liên quan tới động đất do bị tường đổ, các mảnh kính bị vỡ và văng vào người.
Trong trường hợp ở ngoài đường, tránh xa các tòa nhà và dây điện. Tìm chỗ trống để đứng. Nếu động đất xảy ra trong lúc lái xe, ngừng xe ở lề đường. Tránh các cột điện, dây điện, và đường cầu, không chui xuống gầm xe.