Đồng Nai sẽ đóng cửa khu công nghiệp Biên Hoà 1 vào năm 2022

Do những vướng mắc chồng chéo trong quy định pháp luật, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để đề nghị Thủ tướng chấp thuận đưa khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch khu công nghiệp của cả nước, dự kiến đóng cửa vào năm 2022.
Lào Cai: Nỗ lực cấp nước sạch về nông thônThanh tra nhiều dự án 'ngốn' đất lớn có dấu hiệu sai phạmThu tiền rác theo khối lượng, xả nhiều sẽ phải trả nhiều tiền hơn

UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất đưa khu công nghiệp Biên Hoà 1 ra khỏi quy hoạch để bảo vệ sông Đồng Nai.

Vướng mắc khó đóng cửa Khu công nghiệp Biên Hoà 1 – Đồng Nai

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý cho UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án chuyển đổi khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ. Đáng lẽ, UBND tỉnh Đồng Nai đã phải sớm hoàn thiện việc chuyển đổi khu công nghiệp này nhằm bảo vệ môi trường sông Đồng Nai.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, không có cơ sở pháp lý nào cho việc đóng cửa khu công nghiệp Biên Hoà 1. Để đóng cửa khu công nghiệp này, tháng 8/2019, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, tham mưu Thủ tướng ban hành quyết định đưa khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Điều này nhằm tuân thủ quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Thời điểm UBND tỉnh có tờ trình gửi Bộ thẩm định, tham mưu Thủ tướng là thời điểm Luật Quy hoạch đã có hiệu lực. Do đó, việc đưa khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch lúc này bắt buộc phải tích hợp vào quy hoạch kinh tế, xã hội của tỉnh.

Để giải quyết vướng mắc trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn tỉnh Đồng Nai thực hiện việc đưa khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch vào trường hợp cần thiết, cấp bách để áp dụng theo Nghị định 82.

Theo đó, khi đưa vào trường hợp cần thiết, cấp bách, Bộ này sẽ báo cáo Thủ tướng ban hành quyết định đưa khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam trong năm 2020 chứ không thực hiện tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Đồng Nai Hồ Văn Hà, sở dĩ chủ trương chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hoà 1 kéo dài nhiều năm mà chưa thực hiện được một phần là do hệ thống chính sách pháp luật đã có nhiều thay đổi. Mặt khác, ông Hà cho rằng còn tồn tại một nguyên nhân chủ quan khác là do đơn vị lập đề án chưa có kinh nghiệm, còn nhiều lúng túng. Bởi đây là đề án chuyển đổi công năng khu công nghiệp đầu tiên trong cả nước.

Công ty cổ phần Bao Bì Biên Hòa (Sovi) trong khu công nghiệp Biên Hoà 1.

Chưa di dời các doanh nghiệp trong KCN Biên Hoà 1

Để thực hiện đề án chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai sẽ thực hiện di dời toàn bộ 152 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như khoảng 300 hộ dân đang sinh sống trong khu vực này.

Hiện tại, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách chế độ bồi thường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người lao động và người dân khi thực hiện di dời. Tuy nhiên, Sở tài chính vẫn chưa đưa ra được khung chính sách bồi thường cụ thể, do việc di dời các doanh nghiệp để đóng cửa một khu công nghiệp là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

Trước mắt, việc chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 vẫn đang trong thời gian chờ Chính phủ phê duyệt đưa ra khỏi quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam.

Sau khi có quyết định của Chính phủ, tỉnh sẽ tiến hành thực hiện các bước tiếp theo của dự án như: lập quy hoạch, di dời các doanh nghiệp ra khỏi khu công nghiệp Biên Hòa 1, lập thủ tục mời gọi đầu tư khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.

Dự kiến khu đất công dự án này sẽ được đưa ra đấu giá và thực hiện theo quy hoạch, để đảm bảo hoàn thành việc đóng cửa khu công nghiệp Biên Hoà 1 vào năm 2022.

Là khu công nghiệp hình thành sớm nhất ở miền Nam thành lập năm 1963, khu công nghiệp Biên Hoà có diện tích 335ha với tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 15.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc có tới hơn 150 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều năm, mỗi năm xả ra hơn 9.000 m3 nước thải; trong đó, có khoảng 1.000 m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa II để xử lý, phần còn lại các DN tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai khiến nguồn nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng chục triệu người dân vùng Đông Nam bộ.

Do đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ cho chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.

Nhật My
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết