Thanh tra nhiều dự án 'ngốn' đất lớn có dấu hiệu sai phạm

Bộ TN&MT sẽ thanh tra các dự án đầu tư lớn chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng đúng thời hạn, có dấu hiệu trong sai phạm trong quản lý, sử dụng đất như dự án Splendora, khu đô thị An Khánh, Thành phố Giao Lưu... Đây là những dự án sở hữu quỹ đất hàng trăm ha, chậm tiến độ.
Bị phạt xây dựng không phép, Trường An vẫn xin làm sân golf tại Thái NguyênChuyển nhiệm vụ xử lý 12 dự án yếu kém sang UB Quản lý vốn nhà nướcCông bố các dự án nhà ở và thị trường bất động sản quý 4 năm 2019
Thanh tra nhiều dự án "ngốn" đất lớn có dấu hiệu sai phạm. Ảnh: Khu đô thị Thủ Thiêm, TP.HCM.

Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho biết trong năm 2020 sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, có dấu hiệu sai phạm trong quản lý, sử dụng đất theo Chỉ thị Số: 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội.

Theo đó, hàng loạt dự án bất động sản lớn tại Hà Nội, TP.HCM và Bình Thuận sở hữu quỹ đất "khủng" nằm trong danh sách thanh tra sai phạm tới đây.

Cụ thể, tại Hà Nội, Bộ TN&MT sẽ thanh tra 4 dự án lớn gồm: dự án đầu tư xây dựng khu đô thị Bắc An Khánh (Splendora) tại huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội của Công ty Liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC gồm 2 pháp nhân là Vinaconex và Posco E&C ); Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park tại phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP Phát triển đô thị Vinaconex - Viettel (nay là Công ty cổ phần ĐTKD PT đô thị Tây Hà Nội); Dự án khu đô thị "Thành phố Giao Lưu" tại quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng quốc tế Vigeba; Dự án khu đô thị mới thuộc khu đô thị Đại học Vân Canh (An Lạc Green Symphony) tại huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội của Công ty cổ phần đầu tư An Lạc.

Trong số này, dự án khu đô thị mới Splendora Bắc An Khánh có quy mô hơn 264 ha, nằm trên địa bàn các xã An Khánh, Lại Yên, Song Phương, Vân Canh (Hà Nội). Đến tháng 2/2019, UBND TP Hà Nội đã có quyết định số 1617/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết 1/500 của Khu đô thị Splendora Bắc An Khánh. Theo quy hoạch điều chỉnh này, dự án có quy mô đất lên tới 270,92 ha do Vinaconex và Công ty Xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc) đồng hợp tác đầu tư với tổng số vốn 2,57 tỉ USD, trong đó mỗi bên nắm 50% vốn. Năm 2018, Posco E&C đã nhượng lại 50% phần vốn góp cho Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long, một thành viên thuộc Công ty Sovico Holdings của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.

Dự án khu đô thị mới Splendora Bắc An Khánh có diện tích gần 271 ha nhưng vẫn giậm chân tại chỗ.

Tuy nhiên, sau sự xuất hiện của cổ đông mới tại liên danh An Khánh JVC thì nhiều năm qua dự án Splendora Bắc An Khánh vẫn nhùng nhằng dậm chân tại chỗ. Tại ĐHCĐ thường niên năm 2019 sau khi Vinaconex "đổi chủ", ông Đào Ngọc Thanh, tân Chủ tịch HĐQT Vinaconex khi ấy chia sẻ, dự án này có tới hơn 200 ha là đất thương mại đã được trả tiền sử dụng đất cho Nhà nước, nên chỉ cần xây nhà lên và bán. Mặc dù bác bỏ mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ nhà đầu tư, nhưng ông Thanh cho biết dự án này vẫn gặp không ít vướng mắc khi nhiều lần triệu tập HĐQT An Khánh JVC mà đại diện của Địa ốc Phú Long đều không đến họp. Nguyên nhân được cho là có sự bất đồng trong ý tưởng triển khai dự án Splendora Bắc An Khánh, nổi cộm là cách thức xử lý hồ điều hòa trung tâm của Vinaconex và Địa ốc Phú Long có những ý tưởng khác nhau, mà phía Vinaconex muốn giữ nguyên quy hoạch cũ, bổ sung thêm cây xanh, dịch vụ... để sớm đưa vào kinh doanh, thu tiền.

Lãnh đạo An Khánh JVC cho biết để phát triển dự án này một cách quy mô, không xé nhỏ thì cần tăng vốn thêm từ 1.000-2.000 tỉ đồng. Nhưng tình hình kinh doanh của An Khánh JVC đang rất bết bát khi số lỗ lũy kế đến giữa năm 2019 lên tới 1.600 tỉ đồng, vốn sở hữu âm 1.000 tỉ đồng. Tổng nợ của doanh nghiệp là 6.000 tỉ đồng cùng khoảng 1.600 tỉ đồng nợ tiềm tàng...

Trong năm 2020, tại TP.HCM, Thanh tra Bộ TN&MT phối hợp với Cục Đăng ký đất đai, Cục Quy hoạch đất đai, Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất và Sở TN&MT sẽ thanh tra 3 dự án gồm: Dự án khu nhà ở xã hội – khu nhà ở thương mại Vạn Gia Phúc (The Western Capital) tại số 116 Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6 của Công ty TNHH quản lý bất động sản Hoàng Phúc, Khu nhà ở 1 Bis – 1 Kep Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1) của Công ty TNHH Bến Thành – Sao Thuỷ; Dự án khu dân cư và du lịch, văn hoá, giải trí (The Water Bay) tại phường An Phú, quận 2 của Công ty TNHH Quốc tế Thế kỷ số 21.

Bình Thuận cũng có 4 dự án đầu tư chậm đưa vào sử dụng cần thanh kiểm tra là: dự án Khu du lịch sinh thái Kê Gà (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam), Dự án Khu du lịch sinh thái Delverton (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình); dự án Khu du lịch Bầu Trắng – Hòn Hồng (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình) và dự án Khu dân Golf và Biệt thự Hàm Thuận Nam (xã Tân Thành và xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam).

Ngày càng có nhiều chủ đầu tư "thiếu trách nhiệm" trong việc xây dựng dẫn đến làm chậm tiến độ bàn giao căn hộ cho khách hàng hoặc chậm đưa vào sử dụng đối với các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, gây thiệt hại về tài chính cho nhà đầu tư cũng như ảnh hưởng đến niềm tin thị trường. Việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên của Bộ TN&MT sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng nói trên, xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm.

Theo Bình Minh/Tinnhanhonline