Chiều 30/11, Tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến biến đổi khí hậu - giai đoạn 1") tổ chức buổi họp báo thông tin về tình hình thực hiện dự án.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, tại cuộc họp, ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, chủ đầu tư dự án, cho biết: “Với tình hình hiện nay, chúng tôi chỉ có thể cầm cự trong tối đa 2 tháng nữa. Nếu các khúc mắc không được giải quyết, dự án sẽ phải tạm dừng và hệ lụy của việc này là rất lớn”.
Theo ông Tiến, Tổ Đàm phán hợp đồng (của UBND thành phố) đã thống nhất một số nội dung của phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian thực hiện dự án từ ngày 24/9/2020. Tuy nhiên cơ quan được giao ký phụ lục hợp đồng BT này là Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa đồng ý ký, đến nay nhà đầu tư vẫn chưa nhận được văn bản chính thức nào từ UBND thành phố đối với công trình này.
“Cho đến nay, thông tin chúng tôi có được là Sở KH-ĐT thành phố có đề xuất là tiếp tục thực hiện dự án nhưng không ký phụ lục hợp đồng. Chính vì vậy, tình trạng không được giải quyết”- ông Tiến nói.
Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 cho rằng khi phụ lục hợp đồng không được ký thì ngân hàng không thể giải ngân số tiền 1.800 tỉ đồng còn lại cho dự án, dẫn đến dự án bị đình trệ.
“Thật tình tôi không biết nếu tạm dừng dự án thì hệ lụy sẽ như thế nào, nó kéo theo nhiều vấn đề về công trình, về bảo đảm an toàn, về tái khởi động dự án… Quan trọng nhất vẫn là người dân không có được dự án ngăn triều hiệu quả, trong khi dự án đã hoàn thành 93% tiến độ”- ông Tiến chia sẻ.
Có thể kể đến bốn hệ lụy khi dự án tạm dừng. Thứ nhất, dự án tạm dừng sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ giảm ngập của UBND thành phố, dự án tạm dừng gây mất lòng tin của người dân vì đã lỡ hẹn suốt nhiều năm qua.
Thứ hai, tình hình thực hiện dự án ngăn triều kéo dài, chi phí lãi vay và các chi phí theo thời gian phát sinh không hợp lý sẽ dẫn đến vượt thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố (vượt con số đầu tư ban đầu 10.000 tỉ đồng).
Thứ ba, với việc Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân tái cấp vốn hơn 1.800 tỉ đồng còn lại cho dự án ngăn triều và tình trạng chậm giải quyết thủ tục của thành phố thì việc tìm nguồn vốn khác sẽ không khả thi, dự án sẽ đi đến bế tắc vì không có nguồn vốn để hoàn thành. Bảo hiểm của dự án đã hết hạn và nguy cơ mất an toàn công trình, giao thông thủy... sẽ rất cao và thiệt hại rất lớn.
Thứ tư, thực tế khối lượng công việc dở dang chưa được thanh toán, khối lượng đang làm cũng như những thiệt hại tính toán được do tạm ngừng vào khoảng 600-700 tỉ đồng.
Chưa kể đến thiệt hại về hiệu quả kinh doanh, tài chính, uy tín, nguồn nhân lực và trang thiết bị của nhà đầu tư khi dự án kéo dài. Nguồn vốn của dự án với 1.100 tỉ đồng của nhà đầu tư và gần 8.900 tỉ đồng từ nguồn ngân sách có nguy cơ thiệt hại khi dự án tiếp tục tạm dừng mà không xác định được thời gian thi công trở lại.
Dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 được khởi công giữa năm 2016 nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Đây là dự án thủy lợi, thuộc quy hoạch 1547 được Thủ tướng phê duyệt nhằm chống ngập úng với giải pháp kiểm soát triều cường. Công trình sau khi hoàn thành giúp thành phố chủ động điều tiết, hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng với quy mô: 6 cống ngăn triều lớn (khẩu độ 40-160 m) là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và 7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh với các cống nhỏ khẩu độ dưới 10 m. Địa điểm xây dựng thuộc quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh.
Hồi tháng 4/2018, dự án phải dừng thi công trong gần một năm vì các lý do: Ngân hàng BIDV - chi nhánh Nam Sài Gòn không giải ngân (UBND thành phố chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn); liên danh tư vấn tố cáo chủ đầu tư sử dụng vật liệu chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van thép không đúng tiêu chuẩn từ thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công và thực tế thi công.
Hiện, dự án hoàn thành hơn 93% khối lượng, chỉ còn một số hạng mục nhỏ ở phía huyện Nhà Bè.